Một số người có tuyến tiền liệt to nhanh cỡ trái chanh làm bít cổ bàng quang dẫn đến tình trạng khó đi tiểu hay bí tiểu, ở một số người khác tuyến này hóa ung thư, tạo thành một khối cứng và cũng khiến bệnh nhân khó tiểu.
Tuyến tiền liệt là tuyến nằm ngay sát dưới bàng quang, bao xung quanh cổ bàng quang và niệu đạo, bình thường nhỏ cỡ đầu ngón tay. Nam giới ai cũng có tuyến này, nó có nhiệm vụ tiết ra dịch ngăn ngừa sự nhiễm trùng đường tiểu, hỗ trợ tinh trùng. Sau 40 tuổi tuyến này to dần. Một số người có tuyến tiền liệt to nhanh cỡ trái chanh làm bít cổ bàng quang dẫn đến tình trạng khó đi tiểu hay bí tiểu, ở một số người khác tuyến này hóa ung thư, tạo thành một khối cứng và cũng khiến bệnh nhân khó tiểu.
Bướu lành tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hơn là tuổi thọ của bệnh nhân. Không phải cứ siêu âm thấy bướu to là phải chữa vì không có mối liên quan rõ ràng giữa kích thước của bướu với mức độ nặng nhẹ của triệu chứng dòng nước tiểu và chất lượng cuộc sống hay những sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Nếu một người có bướu lành tuyến tiền liệt to mà vẫn thấy sinh hoạt thoải mái, sống vui vẻ thì không nên chữa. Ngược lại dù cho siêu âm thấy bướu nhỏ nhưng đi tiểu khó khăn, tiểu lắt nhắt mỗi đêm 5 - 7 lần dẫn tới mất ngủ thì cần chữa trị.
Bướu lành tuyến tiền liệt có thể được điều trị bằng thuốc hay mổ nội soi. Những bệnh nhân nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt được thăm khám kỹ hơn. Tuổi dễ mắc ung thư thường từ 65 – 85 tuổi, rất hiếm khi có bệnh nhân dưới 50 tuổi mắc ung thư. Nguyên nhân bị ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác định rõ nhưng có nhiều yếu tố được các nhà khoa học ghi nhận. Bệnh có thể có tính di truyền vì khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt tăng cao gấp 2 – 3 lần nếu trong nhà có cha, anh mắc.
Làm sao để biết mình mắc ung thư tuyến tiền liệt?
Trước đây khi đi tiểu bình thường, dần dần đi thấy khó khăn hơn, rặn mãi mới ra được số lần đi tiểu trong ngày tăng lên, có khi mỗi giờ phải đi vệ sinh 1 lần, ngoài ra đêm ngủ không ngon giấc vì cứ phải đi tiểu 4 - 5 lần/đêm... như thế nên đi bác sĩ.
Bác sĩ làm nhiệm vụ thăm khám tại chỗ, xét nghiệm máu và khi xác định bệnh nhân bị ung thư thì sẽ làm thêm các xét nghiệm khác để biết bướu tiến triển đến đâu như siêu âm qua trực tràng, xạ hình xương, chụp CT vùng chậu hay nạo hạch chậu.
Trị bệnh này thế nào?
Tùy theo mức độ của việc phát triển bệnh ung thư mà có cách điều trị khác nhau. Ung thư tuyền tiền liệt ở giai đoạn sớm có thể trị dứt căn bằng phẫu thuật cắt bỏ bướu và toàn bộ tuyến tiền liệt nếu bệnh nhân dưới 70 tuổi, hay xạ trị bắn tia làm chết tế bào ung thư. Khi ung thư đã tiến xa rồi, các biện pháp điều trị như dùng nội tiết tố, dùng thuốc phẫu thuật cắt bỏ 2 tinh hoàn, cắt đốt nội soi bướu... giúp bệnh nhân sống đỡ nhọc nhằn hơn là kéo dài cuộc sống.
Theo SKDS