Phụ nữ mang thai rất cần môi trường sống và làm việc hợp lý, không bị mệt mỏi, căng thẳng. Khi tâm lý và sức khoẻ bà mẹ ổn định, thai nhi mới có thể phát triển toàn diện.
Ảnh hưởng của căng thẳng đối với phụ nữ mang thai
Đối với phụ nữ mang thai, khả năng đáp ứng đối với những thay đổi về áp lực công việc, tình cảm, đời sống sẽ kém hơn nhiều so với người bình thường. Do đó, nguy cơ bị căng thẳng trong thai kỳ là rất lớn.
Nếu bà mẹ bị căng thẳng thường ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân và thai nhi. Người mẹ thường có tâm trạng buồn phiền, mất ngủ, chán ăn, không muốn giao tiếp, tăng huyết áp... Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ dọa sảy thai hoặc sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân. Ngay ở giai đoạn hậu sản, người phụ nữ mang thai mà hay bị căng thẳng cũng dễ bị trầm cảm sau sinh.
Nếu cảm thấy có vấn đề về sức khỏe, thai phụ nên đi khám để được bác sĩ chỉ định điều trị phù hợp.
Các biện pháp phòng tránh
Để phòng tránh và giảm căng thẳng, phụ nữ mang thai cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tăng cường chất xơ. Có chế độ làm việc hợp lý, cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi. Chú ý phòng ngủ yên tĩnh, thoáng khí, tránh tiếng ồn, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, vệ sinh chăn nệm thường xuyên. Có thể uống nước ấm hoặc một cốc sữa ấm trước khi ngủ.
Khám thai tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chăm sóc tiền sản, đảm bảo thai phụ và thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Tập thể dục thường xuyên, nên chọn những bài tập thể dục an toàn, nhẹ nhàng trong thời gian mang thai theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tăng cường sức khỏe, cải thiện tâm trạng mệt mỏi và căng thẳng.
Khi bạn mang thai, những người xung quanh bạn luôn có xu hướng bao bọc, chăm sóc và bảo vệ bạn. Vì vậy, nếu gặp khó khăn hoặc cảm thấy lo lắng về một điều gì đó, thai phụ nên chia sẻ với người thân, bạn bè, chuyên gia tâm lý hay bác sĩ để tìm ra phương pháp giải quyết phù hợp. Nếu có vấn đề về bệnh lý, bác sĩ sẽ cân nhắc cho dùng thuốc một cách an toàn nhất để không ảnh hưởng đến thai nhi. Sự hiểu biết và tâm lý an tâm sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp bà mẹ không bị căng thẳng khi phải cần điều trị một bệnh lý nào đó trong thời gian mang thai.
Theo SKDS