Tiểu đường thai nghén: Thai chết lưu hoặc đẻ non
Đái tháo đường thai nghén là tình trạng không dung nạp carbohydrate bắt đầu xuất hiện hoặc lần đầu được phát hiện trong quá trình có thai. Tần suất xuất hiện của đái tháo đường thai nghén là khoảng 4-10% tổng số thai phụ, phụ thuộc vào thói quen ăn uống và sự khác nhau về chủng tộc.
Đái tháo đường thai nghén có thể gây những biến chứng cho cả mẹ, thai, trẻ sơ sinh và cả khi trẻ lớn lên. Đối với mẹ, đái tháo đường thai nghén có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, đái tháo đường type 2 sau khi sinh, hội chứng chuyển hóa.
Đối với thai, đái tháo đường thai nghén có thể gây chứng khổng lồ, thai chết lưu, đẻ non. Khi đẻ ra trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp, hạ glucose máu, vàng da. Khi lớn lên trẻ có thể bị béo phì, đái tháo đường type 2 hoặc hội chứng chuyển hóa.
Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm đái tháo đường thai nghén ở thai phụ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng cho cả mẹ và con là việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống có khả năng đánh giá việc sử dụng glucose - một nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Nghiệm pháp này được sử dụng để chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường, đặc biệt là để phát hiện đái tháo đường thai nghén.
Chỉ định
Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ cho làm xét nghiệm glucose máu lúc đói, HbA1c hoặc glucose máu ngẫu nhiên để sàng lọc đái tháo đường lâm sàng, đái tháo đường thai nghén hoặc bình thường.
Ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ, bác sĩ chỉ định nghiệm pháp dung nạp glucose. Nghiệm pháp có thể được chỉ định ở tất cả các thai phụ hoặc các thai phụ có nguy cơ đái tháo đường thai nghén cao.
Những thai phụ này mang những đặc điểm: Béo phì với chỉ số khối cơ thể ≥ 30; Tuổi trên 25; Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; Tiền sử bản thân có đái tháo đường thai nghén trong lần mang thai trước; Trước đây đã sinh một bé nặng trên 4,1 kg hoặc một thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
Về chủng tộc, những thai phụ gốc da đen, Tây ban nha, người Mỹ da đỏ hoặc châu Á có nguy cơ đái tháo đường thai nghén cao hơn ở người da trắng.
Kết quả thế nào thì bạn bị tiểu đường thai nghén?
Trong lần khám thai đầu tiên, các xét nghiệm glucose máu lúc đói, HbA1c hoặc glucose máu ngẫu nhiên được thực hiện.
Theo tiêu chuẩn của Nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Đái tháo đường và thai nghén Quốc tế IADPSG, nếu một trong các giá trị glucose máu lúc đói > 7,0 mmol/L, HbA1c > 6,5%, hoặc glucose máu ngẫu nghiên > 11,1 mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng.
Nếu glucose máu lúc đói từ 5,1 đến 7,0 mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường thai nghén.
Nếu glucose máu lúc đói < 5,1 mmol/L, đợi đến tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ, cho làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để chẩn đoán đái tháo đường thai nghén.
Ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ: Khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, các kết quả ở thai phụ bình thường và đái tháo đường thai nghén được thể hiện ở bảng sau:
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai nghén bằng nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75 g glucose)
Các thời điểm thử nghiệm | Mức độ glucose máu (mmol/L) |
Khi đói | > 5,1 |
1 giờ sau khi uống glucose | > 10,0 |
2 giờ sau khi uống glucose | > 8,5 |
Nếu glucose máu lúc đói > 7,0 mmol/L thì thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng. Nếu một hoặc nhiều hơn các thông số ở bảng 2 lớn hơn giá trị nêu trên là đái tháo đường thai nghén. Ở thai phụ bình thường, cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên.
Theo VTC