iện nay, nhiều sản phụ chọn cách sinh mổ vì sợ đau đẻ, đồng thời chủ động được thời gian, tránh cho người nhà và sản phụ những căng thẳng, mệt mỏi của quá trình chờ sinh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, sinh thường mới là “giải pháp tối ưu” cho cả mẹ và bé.
->> Chuyên đề quan tâm:Sự phát triển của thai nhi
->> Sinh mổ và những điều cần lưu ý
Chỉ sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Hồng Nga |
Sinh mổ khi nào?
Các bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ trong trường hợp sản phụ gặp những vấn đề không thể sinh thường như: khung chậu hẹp, bất tương xứng giữa đầu thai với khung chậu vì em bé quá to khoảng trên 4kg (đầu thai lớn hơn khung chậu sản phụ), mẹ mắc bệnh tim mạch, không đủ sức rặn hoặc tử cung không gò được để đẩy thai ra ngoài và biện pháp giục sinh đã thất bại... Ngoài ra, còn có trường hợp sinh khó buộc phải mổ: ngôi thai xoay ở tư thế bất thường ở cuối kì (ngôi mông, ngôi ngang...) nếu không phẫu thuật sẽ nguy hiểm cho mẹ và bé; hoặc thai suy khi đang chuyển dạ, nước ối không tốt... bác sĩ cũng sẽ quyết định cho sinh mổ để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé.
Những nguy cơ của sinh mổ
Hiện không ít người mẹ quyết định phương pháp sinh mổ để chọn “ngày đẹp, giờ vàng” cho bé ra đời hoặc vì lý do sợ đau, sợ bị giãn âm đạo khi sinh thường. Tuy nhiên, người mẹ phải hết sức thận trọng vì biện pháp sinh này có thể đưa lại những nguy cơ như:
- Sinh mổ sẽ tránh cho người mẹ những cơn đau khi chuyển dạ, tuy nhiên, những thủ thuật sau đó lại khiến người mẹ bị đau hơn nhiều.
- Những nguy cơ khi sinh mổ như: tai biến khi gây tê, vết mổ bị rách, chảy máu, tổn thương đường tiết niệu, nhiễm trùng, băng huyết... đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người mẹ. Đặc biệt, nhiễm trùng mổ có khả năng gây hoại tử cổ tử cung. Nguy hiểm hơn, sinh mổ còn khiến người mẹ có thể bị tắc ruột, tắc ống dẫn trứng, gây vô sinh thứ phát.
Ngoài ra, sinh mổ cũng buộc người mẹ phải dùng kháng sinh trong khoảng thời gian cho bé bú sau đó. Điều này sẽ khiến chất lượng sữa của mẹ giảm sút, thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bé. Những bé sinh mổ có nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch và hô hấp lớn hơn nhóm bé được sinh thường.
Sau mổ bao lâu có thể mang thai lại?
Những người đã sinh mổ là trường hợp gặp những vấn đề không thể sinh thường nên lần sinh sau thường cũng phải áp dụng biện pháp sinh mổ. Trong lần sinh sau bác sĩ vẫn sẽ thao tác trên vết mổ cũ nên nếu khoảng cách giữa hai lần sinh quá gần vết khâu sẽ không an toàn (rách, bung đường khâu...) hoặc thai to cũng sẽ làm rách, bục vết khâu của lần sinh trước. Đồng thời, các cơ quan nội tạng sẽ bị tác động tiếp tục và làm gia tăng khả năng dính ruột, rất nguy hiểm. Những sản phụ phải sinh mổ chỉ nên sinh tối đa là 2 lần, khoảng cách giữa hai lần sinh là 5 năm để không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong khoảng từ 2 - 3 năm, nếu bị “nhỡ” thì có thể giữ lại nhưng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con cần được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi chặt chẽ.
Hiện nay, các bệnh viện cũng đang triển khai thực hiện giải pháp “đẻ không đau”. Thực chất đây chỉ là giảm đau sản khoa bằng cách tiêm thuốc tê vào các khe trống giữa các đường dẫn tủy trong cột sống. Lúc này, sản phụ vẫn hoàn toàn tỉnh táo vì thuốc chỉ lan đến các dây thần kinh phía dưới cơ thể nên làm giảm cảm giác đau vùng này. Thai phụ chỉ có cảm giác đau nhẹ đủ để tạo sức rặn giúp tử cung gò đẩy thai ra ngoài. Phương pháp này cũng giúp các thai phụ giảm bớt cảm giác sợ những cơn đau đẻ.
Sinh thường bao giờ cũng tốt nhất cho cả mẹ và bé, nên trong những trường hợp không bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật, bác sĩ vẫn khuyên các sản phụ nên chọn biện pháp sinh thường.
(Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy // suckhoe & sdoisong)