Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Mang thai và thuốc chữa suy giáp cường giáp

 Suy giáp hay cường giáp lúc mang thai đều không có lợi cho thai phụ, thai nhi. Thầy thuốc khuyên cần tránh mang thai khi bị bệnh này.

Tuy nhiên, nếu lỡ có thai khi bị bệnh vẫn có thể dùng thuốc để bảo vệ thai.

Tuyến giáp tiết ra hoóc-môn thyroxin có có vai trò cực kỳ quan trong đối với sự phân chia phát triển, trưởng thành của mọi loại tế bào tổ chức cũng như sự phát triển não bộ, điều hòa sự phát triển hoạt động của nhiều cơ quan.

Suy giáp và dùng thuốc bình giáp khi mang thai

Nguyên nhân dẫn tới mang thai lúc suy giáp:

Do biểu hiện suy giáp khó nhận biết: các biểu hiện suy giáp không đặc trưng, mơ hồ bao gồm: mệt mỏi, buồn ngủ, giảm sút trí nhớ, táo bón, nhức mỏi, khan tiếng, phù nhẹ mặt và mắt, da khô và bủng, có thể chảy máu bất thường ở âm đạo; sau vài tháng, mọi hoạt động thể lực tinh thần trì trệ hẳn, ăn không ngon, tóc khô rụng nhiều. Do các biểu hiện không đặc trưng, mơ hồ mà người bệnh nghĩ mình suy nhược, bị bệnh khác chứ không biết mình bị suy giáp để tránh mang thai.

Do viêm tuyến giáp tự miễn: bệnh có thể có trước lúc mang thai nhưng do phát triển dần, không có triệu chứng gì rõ rệt, nên người bệnh không biết.

Do người bệnh ở trong vùng thiếu iod: thai phụ trước đó vốn mắc hoặc khi có thai mới mắc bệnh bướu cổ đơn thuần. Thường gặp ở thai phụ miền núi.

Do điều trị cường giáp dẫn tới suy giáp: trước đó bị cường giáp, điều trị bằng cắt bỏ, iod phóng xạ, kháng giáp liều cao; các cách điều trị này có thể dẫn tới suy giáp.

Do lần có thai trước bị suy giáp: lần có thai trước bị suy giáp. Lần có thai sau vẫn bị suy giáp hay suy giáp nặng hơn.

Nguy cơ cho mẹ và thai bị suy giáp:

Với thai và con: tuyến giáp của thai nhi chỉ hình thành, bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10 - 12 thai kỳ. Trong thai kỳ, thai nhi phụ thuộc vào hoóc-môn tuyến giáp của bà mẹ. Ngoài ra, thai nhi còn phụ thuộc lượng iod do mẹ cung cấp để tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp. Nếu thai phụ suy giáp thì thai nhi và con sinh ra sẽ bị suy giáp theo. Những trẻ bị suy giáp bẩm sinh sẽ có bất thường về thể chất tinh thần (chậm lớn, kém hoạt động, đần độn).

Với bà mẹ: nếu không điều trị,suy giáp có thể dẫn tới thiếu máu, đau yếu cơ, suy tim, chậm chạp, táo bón. Bệnh nhẹ có thể sinh nở bình thường. Bệnh nặng sẽ có bất thường trong sinh nở như: ra nhiều máu, có thể bị tiền sản giật, bất thường ở bánh nhau, con sinh ra bị nhẹ cân .

Dùng thuốc bình giáp khi mang thai:

Trước hay trong thai kỳ cần kiểm tra chức năng tuyến giáp; nếu có dấu hiệu suy giáp cần điều trị cho tuyến giáp trở về bình thường (bình giáp) bằng cách bổ sung hoóc-môn tuyến giáp tổng hợp như levothyroxin. Cứ mỗi 6 - 8 tuần kiểm tra chức năng tuyến giáp một lần (bằng xét nghiệm nồng độ chất FT4 và TSH); nếu có thay đổi liều dùng, sau 4 tuần phải kiểm tra lại chức năng tuyến giáp. Sau khi kiểm tra, cần điều chỉnh thuốc để nồng độ FT4 và TSH trở về mức cân bằng. Ngay sau khi sinh, sản phụ cần quay lại liều dùng như trước khi có thai.

Cường giáp và dùng thuốc kháng giáp khi mang thai

Tránh mang thai lúc cường giáp:

Khi cường giáp, nồng độ hoóc-môn thyroxin máu rất cao, gây ra các triệu chứng điển hình như tay run, tim nhanh, mạch nhanh, mắt lồi, nặng hơn là suy tim. Nếu có thai, thyroxin đi vào máu thai, dẫn tới tăng nhịp tim thai, thai nhỏ hơn so với tuổi, có thể sảy thai, sinh non, thai chết lưu; ngoài ra có thể gây dị tật dị dạng thai.

Khi bị cường giáp nặng, phải dùng kháng giáp tổng hợp. Các loại kháng giáp này đi vào thai gây hại thai. Một trong các tác hại này là gây suy giáp cho thai. Hầu hết các thuốc kháng giáp như methylthiouracil (MTU) propylthiouracil (PTU), methimazol, carbimazol thyrozol đều có tính độc này. Riêng PTU ít đi qua nhau thai nên ít độc với thai hơn.

Khi có thai mà bệnh tiến triển nặng sẽ có nguy cơ bị các cơn cường giáp cấp (gọi là bão giáp), gây tử vong mẹ với tỉ lệ khá cao. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, cơn cường giáp có thể giảm xuống nhưng sau khi sinh lại tăng lên, trở ngại cho việc nuôi con.

Do vậy, thầy thuốc khuyên khi bị cường giáp thì không nên có thai, nhất là khi bệnh đang tiến triển, cần chữa khỏi rồi mới có thai.

Dùng thuốc cường giáp khi mang thai:

Khi cường giáp mà lỡ mang thai, không nhất thiết phải bỏ thai. Lúc này cần dùng thuốc chữa cường giáp để bảo vệ thai theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa:

Nếu nhẹ (triệu chứng không rõ, chính người bệnh cũng khó nhận thấy, xét nghiệm thấy thyroxin máu không quá cao), chỉ cần theo dõi chặt chẽ, không dùng thuốc.

Nếu nặng, phải dùng kháng giáp tổng hợp nhưng phải chọn đúng thuốc đúng liều, nếu không sẽ gây hại thai. Thuốc dùng là PTU (ít qua nhau thai nên ít độc cho thai), chỉ dùng với liều thấp nhất có hiệu lực. Việc điều trị nhất thiết phải có thầy thuốc chuyên khoa theo dõi. Nếu điều trị nội khoa không khỏi, có thể mổ bướu giáp nhưng cách này ít được dùng vì việc mổ liên quan đến gây mê, không lợi cho thai. Cũng không thể dùng liệu pháp iod phóng xạ vì iod phóng xạ vào thai sẽ phá hủy tuyến giáp thai làm cho trẻ sinh ra bị suy giáp vĩnh viễn.

Trường hợp bất đắc dĩ cần phải loại bỏ thai, cũng phải điều trị cường giáp cho đến khi bệnh tạm ổn, mới bỏ thai; nếu bỏ thai đột ngột, thai phụ có thể bị cơn cường giáp cấp (bão giáp ) nguy hiểm đến tính mạng.

Thiếu phụ bị cường giáp có thể dùng thuốc chẹn beta để giảm hội chứng run, đánh trống ngực. Tuy nhiên chỉ dùng khi thật cần, ở mức hạn chế, vì thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai (trẻ sinh ra bị nhẹ cân).

Người cường giáp mà lỡ có thai, nếu điều trị tốt, đa phần con sinh ra vẫn bình thường. Sau khi sinh, bệnh thường trở nặng, lúc này sẽ điều trị như với người không có thai.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay