Loại thuốc mẹ uống làm con hở môi, dính ngón
Khi người mẹ đang điều trị thuốc chống động kinh, dị tật ở đứa con được sinh ra có thể gặp ở mọi bộ phận, nhưng thường thấy những biến chứng này ở mặt, chân tay và cột sống.
Điển hình cho dị tật ở mặt là hở môi và hở hàm ếch. Tác hại của thuốc chống động kinh gồm dị tật ống thần kinh. Riêng với Natri valproate có tới 1 - 2% nguy cơ bị dị tật ống thần kinh và 1% với Carbamazepine (Tegretol).
Ngoài khuyết tật trên mặt, thuốc chống động kinh còn gây thay đổi trên chân tay của đứa trẻ mới sinh ra: Ngón tay, ngón chân ngắn tũn, thậm chí còn bị dính liền vào nhau. Trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ điều trị động kinh có thể có những rối loạn về đông máu (nhất là sử dụng phenobarbital). Tất cả các thuốc chống động kinh cổ điển đều có thể gây quái thai, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển và rối loạn phát triển tâm thần vận động sau sinh. Mỗi loại thuốc không đặc trưng cho mỗi loại dị tật nhưng phenobarbital và phenytoin có thể gây dị dạng vùng mặt, tim bẩm sinh, dị tật ngón. Valproat de sodium tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh và khung xương. Carbamazepin hay gây dị tật ống thần kinh và tim bẩm sinh.
Dị tật bẩm sinh liên quan đến liều lượng thuốc và đa trị liệu. Nếu dùng đa trị liệu với liều cao thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao hơn (ví dụ, với liều 1.000mg/ngày của valproat thì dị tật tăng cao hơn). Ngược lại, tỷ lệ dị tật giảm nếu dùng liều thấp, chia 2 - 3 lần trong ngày và đơn trị liệu. Thuốc phenobarbital dẫn đến nguy cơ chảy máu não lớn...
Do thuốc chống động kinh có những tác dụng phụ nên người bị động kinh đang phải dùng thuốc, khi mang thai cần thường xuyên đến khám bác sĩ để xác định loại thuốc và liều lượng thuốc chống động kinh. Thường người bệnh sẽ được dùng thêm vitamin có chứa axit folic, tháng cuối cùng của thai kỳ thì dùng thêm vitamin K.
Theo Kiến Thức