Bà mẹ sau sinh thường có suy nghĩ tiêu cực, cho rằng mình xấu, hôi hám, không sạch sẽ, bị chồng bỏ rơi.
Vai trò của người chồng rất quan trọng. Nếu chỉ đơn giản nghĩ rằng cung cấp vật chất cho vợ là đủ thì đó là một nhận thức thiếu sót mà cần quan tâm chia sẻ bằng hành động và lời nói động viên, thấu hiểu, chia sẻ với sự vất vả của vợ, giúp việc chăm sóc con ban ngày và ban đêm để họ được nghỉ ngơi và cảm nhận được sự yêu thương, an toàn và có điểm tựa đáng tin cậy, giúp họ tránh được nguy cơ trầm cảm.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy những bà mẹ không được chồng quan tâm đầy đủ, không được nghỉ ngơi hợp lý trong 30 ngày sau sinh có nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn những bà mẹ khác (Jan Fisher và cộng sự tại TP.HCM).
Lời khuyên của thầy thuốc
Những trường hợp nhẹ và vừa có thể điều trị bằng tâm lý, tạo môi trường hòa thuận, ấm áp, an toàn cho sản phụ, cần giúp bà mẹ chăm sóc em bé ngày và đêm trong tháng đầu. Hãy nói để họ thấy rằng bản năng chăm sóc con nhỏ đã có sẵn ở mỗi người mẹ, nhất là các bà mẹ mới sinh con đầu lòng để giảm bớt tâm lý căng thẳng cho bà mẹ, tạo cơ hội thuận lợi tối đa để bà mẹ được nghỉ ngơi lấy lại sự cân bằng về thể chất và tâm thần.
Mức độ trung bình TCSS: Tư vấn cho người mẹ và gia đình hiểu đây là trầm cảm của rối loạn cảm xúc thường gặp ở bà mẹ sau sinh, điều trị được và không gây hại lâu dài đến người mẹ và đứa trẻ. Yêu cầu chồng và người thân giúp đỡ bà mẹ chăm sóc đứa trẻ ngày và đêm. Trò chuyện với người mẹ thường xuyên để họ bớt căng thẳng, lo lắng, buồn phiền. Hướng dẫn mẹ bài tập thở khi căng thẳng (2 lần/ngày, mỗi lần 10 phút). Đảm bảo người mẹ được nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ.
Trường hợp nặng, cần sử dụng thuốc, thuốc phải được cân nhắc thận trọng bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định. Tuyệt đối không được tự động mua thuốc uống sẽ rất nguy hiểm vì tất cả các thuốc điều trị trầm cảm đều được thải trừ một phần qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến con. Ở những nơi không có bác sĩ tâm thần, cần được tư vấn qua điện thoại để được giúp đỡ.
Để phòng tránh, cần tạo tâm lý thoải mái trong thai kỳ, người mẹ cần được cung cấp thông tin về chăm sóc thai sản và chăm sóc trẻ sau sinh tại các trung tâm; khám thai định kỳ đều đặn; tâm sự với bạn bè, người thân để học hỏi kinh nghiệm; chuẩn bị tốt mọi điều kiện, phương tiện để đón em bé ra đời; ăn, ngủ, nghỉ ngơi hợp lý.
Về phía gia đình, cần quan tâm chăm sóc toàn diện về thể chất và tâm lý, tránh gây sức ép cho người mẹ, tránh tình trạng quá quan tâm đến chăm sóc trẻ và lơi là việc chăm sóc mẹ khiến họ thấy tủi thân, thấy mình cô đơn, bị bỏ rơi, buồn chán và dễ lâm vào tình trạng trầm cảm.
Theo SKDS