Trong quá trình sinh nở, nếu thai quá to hoặc cổ tử cung mở chưa hết, âm hộ thường bị rách. Một số trường hợp các bác sĩ phải dùng thủ thuật rạch âm hộ để cuộc "vượt cạn" dễ dàng hơn. Thông thường vùng bị rách hoặc rạch là tầng sinh môn ở vùng giữa âm đạo và hậu môn.
Sau sinh, bác sĩ sẽ khâu lại âm hộ cho sản phụ. |
Sau khi em bé được sinh ra, các bác sĩ sẽ khâu lại tầng sinh môn. Việc chăm sóc vết khâu tại nhà là rất cần thiết để tránh bị nhiễm trùng.
- Khi vệ sinh, có thể sử dụng nước muối pha thật loãng, nước chè xanh hoặc nước tinh khiết đun sôi..., nên dùng nước ấm để vệ sinh vùng kín. Khi vệ sinh, cần rửa nhẹ nhàng, dội nước từ từ. Nên vệ sinh ít nhất 3 lần/ngày. Sau khi vệ sinh, hoặc sau khi đi tiểu nên lau khô bằng khăn mềm.
- Nếu đi tiểu trong khi tắm nên dội nước ấm từ từ vào vùng kín sẽ giúp chị em đỡ xót và buốt. Không sử dụng máy sấy tóc để làm khô nước dư thừa vì có thể lây nhiễm cho các vết thương.
- Sử dụng quần lót dùng một lần hoặc quần lót bông, cotton thoải mái với eo cao.
- Cố gắng đi lại nhẹ nhàng. Lúc đầu, việc đi lại có thể khó khăn và đau đớn nhưng điều này sẽ làm tăng lưu thông máu, giảm sưng và giúp vết thương mau lành.
- Ăn nhiều thức ăn nhuận tràng để tránh táo bón. Tình trạng táo bón khiến bạn phải rặn mạnh có thể làm tổn thương vết khâu chưa lành.
Với tình trạng bình thường vết khâu sẽ liền hoàn toàn sau 2 - 3 tuần, phục hồi cảm giác bình thường. Sau khi sinh khoảng 10 ngày âm hộ có thể ra khí hư, khoảng vài ngày sẽ hết. Nếu cơn đau kéo dài, có thể là do nhiễm trùng hoặc do đường chỉ khâu quá chặt, bạn nên đến bác sĩ phụ khoa để kiểm tra lại vết thương.
Không tự ý sử dụng các loại thuốc, kem giảm đau theo mách bảo, kinh nhiệm dân gian vì có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.
(Theo sức khỏe và đời sống)