Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) là một phương pháp nuôi dưỡng tự nhiên và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà mẹ, trẻ em và cho toàn thế giới, góp phần làm giảm tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh.
Ở nước ta, NCBSM là phong tục tập quán cổ truyền nhưng trong thực tế một số bà mẹ còn gặp khó khăn khi cho con bú. Nguyên nhân là do các bà mẹ còn thiếu kiến thức thực hành về NCBSM đồng thời thiếu sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng. Một số khó khăn thường gặp là làm thế nào để có thể duy trì được nguồn sữa để NCBSM theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới nhất là giai đoạn trong 6 tháng đầu và trong trường hợp mẹ phải xa con hoặc trẻ không bú được.
Cách vắt sữa.
Duy trì nguồn sữa để NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu:
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn (NCBSMHT) có nghĩa là chỉ cho con bú sữa mẹ mà không cho ăn bất cứ thức ăn, nước uống nào khác ngay cả nước trắng cũng không cần thiết vì sữa mẹ trong 6 tháng đầu đáp ứng nhu cầu nước và các chất dinh dưỡng để trẻ tăng trưởng và pháp triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn và các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành. Để duy trì được nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu thì ngay sau đẻ cho trẻ tiếp xúc da kề da, đặt trẻ nằm trên ngực mẹ giữa 2 bầu vú để trẻ được bú sớm trong 1 giờ đầu. Bú sớm sẽ kích thích bài tiết sữa non và giúp cho trẻ dễ ngậm bắt vú đúng ngay từ những ngày đầu tiên.
Ở nước ta, NCBSMHT trong 6 tháng đầu còn chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 20%. Vì vậy, cán bộ nhân viên y tế ở khoa sản tại các bệnh viện, trạm y tế, nhà hộ sinh cần hỗ trợ bà mẹ cho con bú và cách trẻ ngậm bắt vú đúng để bú có hiệu quả ngay những ngày đầu tiên sau đẻ. Các thành viên trong gia đình có nhiệm vụ giúp đỡ bà mẹ chăm sóc trẻ tạo điều kiện cho bà mẹ sống thoải mái, ăn uống đầy đủ để trẻ được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi. Đó cũng là cơ sở thuận lợi để duy trì nguồn sữa cho trẻ bú đến 2 năm.
Duy trì nguồn sữa khi mẹ đi làm:
Một số bà mẹ khi đi làm thường cho con ăn bổ sung sớm, sử dụng sữa thay thế sữa mẹ, thậm chí ngừng cho con bú làm cho bà mẹ mất dần sữa và ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Để duy trì nguồn sữa khi mẹ phải xa con thì mẹ cần chọn thời gian thích hợp để cho con bú, bú trước và sau khi đi làm, về giữa giờ cho bú, bú ban đêm hoặc gửi con ở nhà trẻ gần nơi làm việc. Nếu mẹ đi làm cả ngày không thể sắp xếp được giờ về cho con bú thì nên vắt sữa ở nơi làm việc rồi đem sữa về nhà cho trẻ ăn. Hiện nay, một số cơ quan đã có những phòng vắt sữa và sữa vắt ra được bảo quản trong tủ lạnh.
Vắt sữa, duy trì nguồn sữa khi mẹ đi làm.
Duy trì sự tạo sữa để nuôi trẻ đẻ nhẹ cân và trẻ bệnh:
Trẻ nhẹ cân là những trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2.500g bao gồm cả trẻ đẻ non, đủ tháng và già tháng.
Ngay sau đẻ, bữa ăn đầu tiên của trẻ thường trong vòng 2 giờ đầu. Trẻ thường bú yếu và chưa phối hợp được động tác bú, nuốt thở cho nên thời gian mỗi bữa bú lâu hơn trẻ bình thường.
Nếu trẻ không bú trực tiếp được thì vắt sữa mẹ cho con ăn bằng cốc thìa hoặc bằng ống thông tùy theo tuổi thai và cân nặng của trẻ. Khi trẻ bắt đầu bú được thì cho ăn xen kẽ giữa bú trực tiếp và ăn sữa mẹ vắt ra bằng cốc thìa.
Trẻ bệnh: Khi trẻ bị bệnh thường quấy khóc, biếng ăn, nếu mẹ không cho con bú hoặc không vắt sữa thì dễ bị mất sữa. Trường hợp trẻ bú được nhưng bú ít thì mẹ nên cho bú nhiều lần 10-12 lần/ngày giúp trẻ chóng hồi phục sức khỏe, ít bị sụt cân.
Nếu trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho ăn bằng cốc thìa, nếu không ăn được bằng cốc thìa thì cho ăn sữa mẹ qua ống thông. Nếu trẻ không ăn bằng đường miệng thì phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nhưng mẹ phải vắt sữa để duy trì sự tạo sữa.
Bảo quản sữa vắt ra và cách cho trẻ ăn:
Rửa tay sạch và vắt sữa vào dụng cụ sạch (cốc bình...) đậy kín để tủ lạnh hoặc nơi mát. Nếu nhiệt độ phòng từ 19-260C thì sữa có thể bảo quản được 6-8 giờ. Sữa vắt ra để tủ lạnh ở ngăn mát có thể để tới 8 ngày (theo tài liệu của Bộ Y tế 2014).
Khi cho ăn thì ngâm bình, cốc sữa vào nước nóng vài phút để sữa ấm lên - không đun nóng vì sẽ phá hủy các yếu tố kháng khuẩn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa tốt hơn là bú bình và núm vú để không cản trở khi trẻ bú vú mẹ.
Theo SKDS