Băng huyết sau sinh thường gây ra nguy hiểm cho người mẹ phải không? Nghe nói người đẻ nhiều lần có nguy cơ cao bị băng huyết và vì vậy mới có lời khuyên là sinh tối đa 2 lần thôi?
Băng huyết sau sinh là một trong 5 tai biến sản khoa gây nguy hiểm có thể làm tử vong bà mẹ. Thường sau khi sinh, sản phụ cũng mất máu nhưng lượng ít và sau đó ngưng, chỉ còn sản dịch chảy ra ngoài âm đạo với lượng ngày càng ít lại.
Sau khi sinh xong, sản phụ phải được theo dõi chặt chẽ vấn đề chảy máu ra ngoài âm đạo. Khi sản phụ bị mất máu sẽ có nhiều triệu chứng giúp bác sĩ khám phá ra có chảy máu. Theo dõi tình trạng co của tử cung sau sinh, nếu tử cung quá to, quá mềm là có thể chảy máu. Sản phụ vật vã, hốt hoảng hoặc nằm lơ mơ, da niêm mạc nhạt màu, chân tay lạnh. Khi mất nhiều máu sẽ dẫn đến mạch nhanh, huyết áp giảm. Bác sĩ phải đánh giá lượng máu mất sau sinh, nếu mất máu trên 300ml thì bắt đầu gây nguy hiểm cho sản phụ. Ngay khi phát hiện có băng huyết sau sinh thì phải tìm ngay nguyên nhân để xử lý.
Ở giai đoạn nhau đã ra rồi mà còn chảy máu cần kiểm tra lại tầng sinh môn, âm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung xem có rách không để khâu cầm máu. Nếu nhận thấy tử cung co hồi không tốt và mềm nhão thì phải xử lý ngay. Nếu kiểm tra hết mà vẫn chảy máu thì xem có sót nhau không.
Song song với việc xử lý nguyên nhân chảy máu thì phải truyền dịch hoặc truyền máu khi có chỉ định, tất nhiên sản phụ phải được theo dõi sát sao sinh hiệu để cấp cứu kịp thời.
Để có thể ngăn ngừa băng huyết sau sinh, tất cả sản phụ trước khi chuyển dạ phải được đánh giá tình trạng đông chảy máu một cách cẩn thận, những trường hợp có thể có nguy cơ cao băng huyết: sinh đôi, thai to, đa ói, đẻ nhiều lần, chuyển dạ kéo dài, tiền sử băng huyết lần sinh trước... để chuẩn bị đối phó. Nếu nhận thấy không đủ điều kiện tốt nhất để đối phó với tình trạng băng huyết sau sinh của sản phụ thì phải chuyển tuyến trên.
Theo SKDS