Tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần thiết để an toàn cho cả mẹ và con. Tùy vào điều kiện của từng người có thể tiêm nhiều hay ít các loại vắc-xin. Trên thực tế hiện nay rất ít phụ nữ biết sự cần thiết của tiêm phòng trước khi mang thai. Vậy, ngoài việc dinh dưỡng đầy đủ, việc tiêm phòng trước khi mang thai là cần thiết. Các loại bệnh cần tiêm phòng là:
Sởi - Rubella: Nếu mẹ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ sẽ lây cho thai nhi gây ra sẩy thai hoặc nhiều dị tật bẩm sinh cho trẻ như mù, điếc, suy dinh dưỡng bào thai, tật ở tim... Vì vậy, trước khi để có thai ít nhất ba tháng, phụ nữ nên đi tiêm phòng Rubella. Tuy nhiên, nếu đã bị nhiễm Rubella trước đó (được bác sĩ chẩn đoán hoặc làm xét nghiệm máu dương tính) thì không cần chích tiêm phòng nữa. Ngoài ra, đối với phụ nữ không được tiêm phòng sởi khi chuẩn bị mang thai cần đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể. Nếu mẹ mắc bệnh sởi trong giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất lớn. Còn trong giai đoạn tiếp theo của thai kỳ thì nguy cơ bị sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát... cũng khá cao.
Tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần thiết.
Viêm gan siêu vi B (VGSVB): Tại các nước đang phát triển như nước ta, VGSVB được lây truyền chủ yếu qua các đường: từ mẹ truyền sang con, truyền máu, thực hành tiêm truyền không an toàn, quan hệ tình dục.Thống kê cho thấy nếu mẹ mang thai bị VGSVB trong ba tháng đầu của thai kỳ thì tỉ lệ lây truyền bệnh cho trẻ sơ sinh không đáng kể (1%) nhưng nếu mẹ bị VGSVB trong ba tháng giữa, nguy cơ lây truyền cho trẻ là 10%-20%, nguy cơ này tăng lên đến 90% nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong ba tháng cuối của thai kỳ. Phụ nữ có thể bị nhiễm VGSVB trước hoặc bất kỳ lúc nào trong thời gian mang thai. Vì thế phụ nữ nên tiêm chủng vắc-xin phòng VGSVB trước khi mang thai để tránh lây truyền cho con.
Cúm: Phụ nữ cũng nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang thai để phòng tránh những cơn cúm trong thời gian mang thai và nhất là phòng tránh dị tật thai khi bị cúm trong ba tháng đầu. Tuy nhiên, văc-xin tiêm phòng cúm thường hiệu lực chỉ trong một năm. Vì vậy, phòng chống cúm khi mang thai là một yếu tố cần thiết của việc chăm sóc trước sinh, và các chiến lược hiệu quả nhất để ngăn ngừa cúm là tiêm chủng hàng năm.
Thủy đậu: Đối với phụ nữ đang mang thai thì mối nguy hại của bệnh thủy đậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, cụ thể khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong năm tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay. Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virut gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở. Vì vậy, trước khi chuẩn bị có bầu, phụ nữ nên tiêm phòng bệnh thủy đậu một lần duy nhất và ít nhất ba tháng sau đó mới nên có em bé.
Lưu ý: Khi tiêm chủng phòng bệnh, cần áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong khoảng 3 - 6 tháng. Trong thời gian mang thai, thai phụ chỉ tiêm hai mũi uốn ván. Nếu đang bị bệnh, nóng sốt hay các bệnh khớp, thận... cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc-xin. Trong khoảng thời gian đó, nếu mang thai ngoài ý muốn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và theo dõi quá trình phát triển của em bé một cách chặt chẽ.
Theo SKDS