Xã hội ngày càng hiện đại kéo theo sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Con người làm việc, học tập bằng các thiết bị hiện đại nên sự vận động dần ít đi, ngồi nhiều hơn, làm gia tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở vùng hậu môn, trực tràng, tăng nguy cơ mắc và mức độ nặng của bệnh trĩ. Bên cạnh đó, trĩ là một căn bệnh thầm kín nên người mắc thường ngại đi khám, dẫn đến bệnh trầm trọng hơn.
Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, bệnh trĩ tạo thành do sự phình giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Khi tĩnh mạch hậu môn hoạt động kém, máu đi đến đây sẽ không lưu thông được, ứ đọng và làm cho tĩnh mạch bị giãn, phình ra.
Bệnh trĩ không gây chết người nhưng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu để lâu, bệnh sẽ ngày càng nặng dần, chảy máu nhiều dẫn đến thiếu máu.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Quang, Phó Khoa Ngoại Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM, các dấu hiệu để nhận biết bệnh trĩ là: Đi cầu đau, ra máu, lúc đầu chảy máu ít. Lâu hơn nữa, cứ mỗi lần đi cầu hay ngồi xổm máu lại chảy, có khi rất nhiều; búi trĩ thập thò ra ngoài vùng hậu môn, sau khi đi cầu thì tự tụt vào. Càng lâu ngày, khối này to lên dần và không tự tụt vào mà phải dùng tay nhét. Cuối cùng, khối sa này thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
Ngoài 2 triệu chứng chính trên, bệnh nhân trĩ có thể kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn.
Các phương pháp điều trị
Theo BS Quang, có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ, mỗi phương pháp có những ưu điểm khác nhau và phù hợp với cấu trúc búi trĩ của từng bệnh nhân. BS sẽ chọn lựa phương pháp điều trị tốt nhất.
Lương y Đinh Công Bảy cho biết đông y phân bệnh trĩ thành 5 loại: Nội trĩ, ngoại trĩ, thử trĩ (quanh hậu môn có mụt mọc như đuôi chuột), nuy sang (đầu hậu môn có lỗ thủng, lở loét), trùng trĩ (lỗ hậu môn có trùng gây lở loét). Phương pháp chữa trị bệnh trĩ chủ yếu là thanh nhiệt, lương huyết, sát trùng. Trường hợp do khí hư thì bổ khí; chảy máu nhiều, lâu ngày gây huyết hư thì bổ huyết. Đông y có nhiều bài thuốc cho các loại trĩ khác nhau. Ngoài ra, còn có các bài thuốc cổ rất hiệu quả, như tứ sinh hoàn chẳng hạn.
Theo BS Quang, một khi búi trĩ đã lớn hoặc thất bại trong việc dùng thuốc, BS sẽ xem xét dùng các thủ thuật như chích xơ, thắt búi trĩ bằng dây thun, quang đông hồng ngoại… Nếu búi trĩ quá lớn, có các biến chứng như nghẽn mạch, hoại tử…, việc điều trị bằng phẫu thuật phải được đặt ra như dùng sóng cao tần HCPT hay bằng phương pháp mới nhất hiện nay
là phẫu thuật Longo.
Để trĩ không tái phát sau điều trị, người bệnh cần phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ như táo bón, tiêu chảy kéo dài, chế độ ăn uống ít rau xanh, uống ít nước, điều kiện làm việc nặng nhọc, lối sống ít vận động...
Vận động, ăn uống hợp lý
Theo BS Nguyễn Thanh Tuyên, Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM, để phòng tránh bệnh trĩ, cần có một chế độ vận động hợp lý, không đứng lâu, ngồi nhiều, thường xuyên vận động, tập thể dục (bơi lội, đi bộ…).
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh thói quen ăn uống. Tránh lạm dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá... Ăn nhiều rau, hoa quả có tác dụng chống táo bón như rau diếp cá, mồng tơi, rau má, đậu bắp, mướp hương, bí đỏ, bơ, chuối, thanh long, cam, quýt... Nên ăn thức ăn dạng luộc chín, nấu canh, hấp, tránh dạng chiên xào nhiều dầu mỡ…
Tập thói quen đi cầu đều đặn hằng ngày, sử dụng loại giấy vệ sinh mềm, sạch, dùng các loại xà phòng ít tính axít để vệ sinh hậu môn.
Theo NLD