Báo động bệnh đái tháo đường tăng theo “cấp số nhân”
Đó là những cảnh báo đáng sợ từ BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, kiêm Phó ban chỉ đạo công tác phòng chống đái tháo đường TPHCM. Phân tích của BS Diệp cho thấy, năm 2002 cả nước chỉ có 2,7% người dân mắc bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) thì 10 năm sau tức năm 2012 con số này tăng lên 5,7% (tỷ lệ mắc đái tháo đường tăng 211%).
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, loại bệnh mãn tính không lây này liên quan mật thiết đến dinh dưỡng, dự kiến năm 2025 toàn thế giới sẽ có 300 triệu người mắc đái tháo đường, tốc độ tăng ở các nước đang phát triển là 170%. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ bùng phát bệnh đái tháo đường khủng khiếp nhất toàn cầu. Hiểm họa từ bệnh đái tháo đường đang đặt ở mức báo động bởi số người bị tiền đái tháo đường (rối loạn dung nạp đường) lên tới 12,8% (số liệu năm 2012). Những đối tượng này sẽ sớm trở thành người bệnh nếu các yếu tố nguy cơ không được khống chế hiệu quả.
Đái tháo đường đang là vấn đề y tế nan giải và là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Có tới 65% người bệnh không biết mình mắc bệnh, khi bệnh có biểu hiện rõ thì đã chuyển sang giai đoạn nặng, việc điều trị trở nên tốn kém và khó khăn. Mỗi năm cả nước tốn gần 6% ngân sách của ngành y tế để phục vụ cho việc chữa trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường như tim mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mù lòa, cắt đoạn chi, suy thận…
Theo BS Ngọc Diệp, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa, hạn chế được thông qua việc thay đổi lối sống, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động. Các đối tượng có yếu tố nguy cơ cần thực hiện xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói, làm nghiệm pháp dung nạp đường để phát hiện và can thiệp kịp thời.
Theo Thuoc.net