Vui chơi giúp trẻ thêm hiểu biết
Bạn có biết, với trẻ em vui chơi chính là cách bắt đầu “mở khóa” các kỹ năng xã hội mà con trẻ sẽ sử dụng trong suốt cuộc đời?
Các dạng trò chơi khác nhau sẽ xây dựng những kỹ năng học hỏi khác nhau cho trẻ.
- Sáng tạo: Khi bạn động viên con trẻ chơi đùa, chính sự rèn luyện trí tưởng tượng và những trải nghiệm có thể giúp trẻ biết cách biểu đạt cảm xúc.
- Trò chơi đóng vai: Đôi khi việc thay trang phục cho trẻ cũng là cơ hội để trẻ diễn một vai nào đó mà không thấy xấu hổ, ngượng ngùng nếu bạn biết động viên con khéo léo (ví dụ khi con mặc áo có hình con mèo, bạn có thể nói: “Chú mèo này xinh quá, con thử giả điệu bộ chú mèo cho mẹ xem nào!”).
- Trò chơi “hỗn độn”: Trò chơi với màu nước hay thậm chí là nghịch nước trong các hố cát cũng có thể giúp bé giải tỏa cảm xúc hiệu quả nhưng phải chắc chắn rằng bé đủ lớn để chơi trò này một cách an toàn. Và đương nhiên hãy để trẻ vui chơi trong khu vực bạn có thể dễ dàng quan sát, nhắc nhở hay hướng dẫn khi cần thiết.
- Chơi phối hợp: Những trò chơi phối hợp như mô hình nhà, cầu trượt (trong phòng chơi hay sân vườn) để bé leo trèo có thể giúp bé phát triển khả năng vận động, biết giữ thăng bằng cho cơ thể…
- Chơi theo nhóm: Đây là một giải pháp tốt để bé dần học cách hòa đồng với mọi người, cách chơi luân phiên nhau theo quy tắc nào đó… Tuy nhiên nó là bài học khó cho trẻ ở độ tuổi trước khi tới trường, bạn cần xây dựng những trò chơi cuốn hút và từng bước hướng dẫn trẻ cách chơi, cách đối xử với bạn bè.
Thời gian chơi hay chính là thời gian học hỏi?
Khi người lớn chơi đùa cùng nhau hay chơi với con trẻ, trẻ đều quan sát những gì họ làm. Vì vậy phụ huynh cần sử dụng hành vi của mình như là hình mẫu để hướng dẫn trẻ. Những gì bạn làm quan trọng hơn nhiều so với điều bạn nói, bởi thế hãy nhấn mạnh việc thực hành lời gợi ý trước quan sát của trẻ. Song bạn cũng đừng quên khuyến khích trẻ đặt những câu hỏi và tự mình khám phá các cách thức khác nhau để chơi một trò nào đó. Chỉ cần dành một buổi chiều vui chơi cùng bé, bé có thể học hỏi rất nhiều kĩ năng bổ ích cho mình.
Sự sáng tạo của trẻ sẽ phát triển tốt nhất khi cha mẹ dành cho trẻ sự tự do nhất định. Thậm chí trẻ có thể “bẻ cong” một số quy tắc phổ biến khi chúng chơi đùa. Hãy để điều đó là niềm vui riêng của trẻ nếu nó không gây ảnh hưởng xấu. Bạn có thể có mặt, cùng tham gia chơi nếu được con mời hay hỗ trợ trẻ nếu thấy cần thiết.
Đồ chơi có thể là thứ kích thích niềm đam mê sáng tạo của trẻ. Nó không nhất thiết phải sang trọng, đắt tiền. Điều quan trọng là bạn phải khôn khéo khi lựa chọn đồ chơi cho con như các đồ chơi hình khối, đồ chơi di động, các loại đồ chơi âm nhạc, sách truyện…
Máy tính, ti vi hay đầu DVD cũng tác động đến sự phát triển của trẻ, tuy nhiên bạn cần lựa chọn chương trình bổ ích như phim hoạt hình, trò chơi đơn giản… và kiểm soát lượng thời gian tiếp xúc với màn hình, máy tính phù hợp với từng độ tuổi, tránh ảnh hưởng đến thị lực trẻ em hay khiến trẻ nghiện game hoặc máy tính từ nhỏ.
Tác dụng của việc đọc sách với trẻ em
Sách với các hình ảnh tươi tắn, phong phú qua giọng đọc truyền cảm của bạn cũng là món “đồ chơi” hoàn hảo để bé phát triển lành mạnh. Cuốn sách mở ra một thế giới tuyệt vời, nó giúp bé cải thiện giọng nói, trí tưởng tượng và nhiều điều khác thông qua sự giải thích đi kèm với câu chuyện của phụ huynh.
Để tận dụng tối đa tác dụng của sách truyện hãy dạy con đếm các hình ảnh trong tranh, nhận biết màu sắc và thử nói chuyện, cho bé dự đoán về những điều diễn ra trong hình ảnh trước khi bạn đọc nội dung.
Nếu trẻ ở độ tuổi nhận thức tốt hơn bạn có thể gợi mở cho trẻ giải thích sự liên quan giữa những hình ảnh (ví dụ: “Tại sao cậu bé này lại nhìn lên mặt trăng?”) hay thêu dệt những câu chuyện mới từ một chi tiết nào đó trong câu chuyện có sẵn.
Trẻ mẫu giáo đang phát triển trí tưởng tượng và óc hài hước nên chúng dễ yêu những câu chuyện có phần hoang đường, ly kỳ ngay cả khi trẻ không chắc chắn những gì mình nghe hay tưởng tượng có thật hay không.
Việc đọc sách cho trẻ sẽ dần hình thành niềm yêu thích với sách, đây là yếu tố cần thiết cho quá trình học tập suốt đời của mỗi con người.
Theo SKDS