Vitamin nhóm B và hệ tiêu hóa của trẻ
Đối với trẻ nhỏ, việc bổ sung đầy đủ vitamin nói chung và vitamin nhóm B nói riêng sẽ đảm bảo sự phát triển đều đặn và cân đối trong những năm tháng đầu đời.
Vitamin nhóm B bao gồm các loại: B1, B2, B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12. Nhìn chung, vitamin nhóm B đều có tác dụng hỗ trợ quá trình sản xuất năng lượng trong cơ thể cũng như trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong tế bào.
Vitamin nhóm B còn góp phần điều hòa tâm sinh lý, giúp chống lại những tâm trạng tiêu cực, mệt mỏi, ủ rũ và căng thẳng. Có thể nói, vitamin nhóm B đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của trẻ, cả về thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, vitamin nhóm B không tồn tại nhiều trong thực phẩm tự nhiên và dễ bị phân hủy trong nước. Do đó, không dễ dàng bổ sung vitamin nhóm B cho trẻ, nhất là với trẻ biếng ăn hoặc gặp rắc rối với đường tiêu hóa.
Bên cạnh chức năng chung của nhóm, mỗi loại vitamin B có những vai trò riêng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Một số vitamin thuộc nhóm B sau có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, chuyển hóa hấp thu các chất dinh dưỡng của trẻ:
Vitamin B1 hay còn gọi là thiamin. Vitamin B1 có nhiều trong vỏ của các hạt ngũ cốc như : vỏ cám của gạo, lúa mì… nếu ăn gạo xay xát quá kỹ dễ có nguy cơ bị thiếu vitamin B1. Vitamin B1 còn có nhiều trong đậu đỗ thịt, cá. Nhưng vitamin B1 lại rất dễ bị hao hụt trong quá trình nấu nướng, cho nên nguy cơ thiếu B1 rất dễ xảy ra, nhất là đối với trẻ em.
Vitamin B1 cần thiết cho việc tạo ra một loại men (enzyme) quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hóa đường và quá trình phát triển của cơ thể. Ngoài ra, vitamin B1 kích thích sự tạo thành một loại men tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, kích thích cảm giác thèm ăn. Khi thiếu vitamin B1, trẻ thường biếng ăn, mệt mỏi, nhất là những trẻ lười ăn chất bột đường như: bột, cháo, cơm… thì việc bổ sung vitamin B1 là cần thiết.
Khi thiếu vitamin B1, trẻ thường biếng ăn, mệt mỏi
Vitamin B2 có tên gọi quốc tế là riboflavin. Trong thiên nhiên, vitamin B2 có trong tất cả các tế bào sống. Các loại thực phẩm ta dùng hằng ngày như: ngũ cốc, rau xanh, đậu các loại, thịt, trứng, sữa, tim, thận, gan, lách... đều có vitamin B2 (tỉ lệ mất vitamin B2 khi chế biến thức ăn khoảng 15 - 20%). Hàm lượng vitamin B2 trong động vật cao hơn thực vật. Vitamin B2 thải trừ chủ yếu theo nước tiểu (làm cho nước tiểu có màu vàng), một phần nhỏ thải trừ theo phân.
Trong cơ thể, vitamin B2 có nhiều vai trò quan trọng: thành phần quan trọng của các men oxydase; trực tiếp tham gia vào các phản ứng oxy hóa hoàn nguyên; khống chế các phản ứng hô hấp chuyển hóa của tế bào;chuyển hóa các chất: đường, đạm, béo ra năng lượng để cung cấp cho các tế bào hoạt động; tác động đến việc hấp thu, tồn trữ và sử dụng sắt trong cơ thể (rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu do thiếu sắt).
Vitamin B2 tham gia vào sự chuyển hóa thức ăn thành năng lượng bằng cách chuyển hóa chất bột, chất béo và chất đạm thông qua các loại men, giúp cơ thể tự cân bằng dinh dưỡng. Nó cũng có ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ ánh sáng của mắt, nhất là đối với khả năng cảm thụ màu. Vitamin B2 kết hợp với vitamin A làm cho dây thần kinh thị giác hoạt động tốt, đảm bảo thị giác của trẻ phát triển bình thường, trong những trường hợp bị tiêu chảy kéo dài, tổn thương niêm mạc ruột vitamin B2 còn có tác dụng phục hồi làm lành tổn thương niêm mạc ruột
Vitamin B5 hay còn gọi là axít pantothenic được tìm thấy trong cơ thể chủ yếu dưới dạng coenzym A, tiền chất của coenzyme A. Quá trình tổng hợp coenzym A được thực hiện đối với các tế bào của cơ thể.
Nồng độ của axít pantothenic và coenzyme thay đổi tùy theo tổ chức và tình trạng dinh dưỡng.
Tầm quan trọng của vitamin B5 đã được xác định: nó là một trong ba yếu tố thiết lập nên coenzyme A, cần thiết cho tất cả hoạt động chuyển hóa năng lượng của tế bào.
Nó can dự vào chuyển hóa lipid, glucid và protid trong quá trình tổng hợp hormon steroid có dẫn xuất từ cholesterol. tham gia vào quá trình lên men tiêu hóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải phóng năng lượng từ chất béo, chất bột, đạm và rượu.
Vitamin B5 tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và độ bền của da cũng như niêm mạc. Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò trong quá trình phát triển chức năng của hệ thần kinh trung ương.
Vitamin B6 tham gia vào men tiêu hóa dưới dạng coenzyme, đóng vai trò thiết yếu trong chuyển hóa chất đạm. chất bột đường và chất béo, đảm bảo hoạt động hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra còn ham gia tiổng hợp hemoglobin, khi thiếu vitamin B6 cũng dẫn đến thiếu máu.
Vitamin B9 hay còn gọi là axít folic: tham gia quá trình tạo ra tế bào mới và duy trì sự tồn tại của chúng. Nó đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phân chia và lớn lên nhanh của tế bào như ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Chất này cần thiết trong việc nhân đôi ADN và giúp tránh đột biến ADN (vốn là một yếu tố gây ung thư).
Thường ít khi trẻ bị thiếu một loại vitamin nhóm B đơn độc mà thường là thiếu nhiều loại cùng một lúc, thường hay gặp ở trẻ biếng ăn, chậm lớn, hay bị rối loạn tiêu hóa kéo dài. Vì vậy khi trẻ có biểu hiện biếng ăn, chậm lớn ngoài việc tìm các nguyên nhân để điều trị, các bà mẹ có thể bổ sung các vitamin nhóm B, kẽm và lysin... để giúp trẻ ăn ngon miệng phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Theo SKDS