Theo ý kiến của các chuyên gia, viêm phổi ở trẻ năm nay cao hơn năm trước và có những diễn biến phức tạp do xu hướng bệnh dịch tăng cao.
Viêm phổi là một bệnh do viêm đường hô hấp dưới. Đây là tình trạng viêm nhiễm của cả 2 phổi, tổn thương ở các phế quản thận, phế nang và tổ chức xung quanh phế nang dẫn đến rối loạn trao đổi khí ở trong phổi và làm trẻ dễ bị suy hô hấp. Suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ.
Suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ.
Bác Nguyễn Thị Nụ 63 tuổi, bà nội của bé Huy Khánh, 3 tuổi cho biết: "Bé sốt cao, ho nhiều 4 ngày nay. Gia đình cho đi khám ở phòng khám tư nhân và về uống thuốc nhưng bé không đỡ nên hôm qua mới cho vào viện. Bác sĩ chuẩn đoán cháu bị viêm phổi do vi rút". Bác Nụ cho biết thêm: "Thời tiết thay đổi đột ngột như thế này đến người lớn còn cảm thấy mệt mỏi huống chi trẻ nhỏ". Cũng được chuẩn đoán viêm phổi, chị Mai Anh mẹ bé Hà Giang, 18 tháng tuổi chia sẻ: "Cháu nhà mìnhbị sốt mấy ngày hôm nay nhưng mình sợ không dám cho lên viện Nhi hay Bạch Mai vì thời gian này nhiều bệnh dịch của trẻ em. Mình cũng thấy báo đài nói đến nguy cơ lây chéo nên sợ" .
Tại viện Nhi TW, 5 tháng đầu năm vừa qua đã có rất nhiều trẻ nhập viện liên quan đến bệnh viêm phổi. Đây là một hội chứng của nhiều bệnh nhiễm trùng. Nguyên nhân thường là do virus. Các virus gây bệnh có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Từ đó, tạo điều kiện cho các vi khuẩn khác xâm nhập, gây nên bệnh lý nặng hơn. Đặc biệt là ở trẻ em do khả năng miễn dịch của cơ thể kém nên thường bị viêm đường hô hấp. Có rất nhiều loại vi rút, tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, chúng ta phải hết sức lưu ý đến vi rút sởi. Vi rút sởi gây suy giảm miễn dịch ở em bé và khi viêm phổi thì thường là viêm phổi rất là nặng. Khi các bà mẹ thấy em bé sốt cao và phát ban thì cần phải đưa đi khám bệnh ngay.
Mùa hè là mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm và tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn. Khi các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể, các biểu hiện ban đầu là trẻ có sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, đau họng, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc.... Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, li bì, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi. Có thể có rối loạn tuần hoàn như: sốc, trụy tim mạch... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu oxy não, trẻ sẽ li bì hoặc kích thích, co giật. Đối với trẻ lớn, các dấu hiệu bệnh dễ kiểm soát hơn vì trẻ biết kể tình trạng sức khỏe cho cha mẹ và thầy thuốc, còn ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ là quấy khóc, khó chịu nên dễ nhầm lẫn với tình trạng mọc răng, hay sự nhõng nhẽo. Vì thế, khi thấy trẻ có những dấu hiệu của viêm họng, ho, sổ mũi, quấy khóc, kém vui chơi, cần chú ý chăm sóc trẻ tốt hơn, nếu các dấu hiệu bệnh qua một ngày mà không thuyên giảm cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, tránh những diễn biến nặng của bệnh.
Theo ý kiến của các chuyên gia, viêm phổi ở trẻ năm nay cao hơn năm trước và có những diễn biến phức tạp do xu hướng bệnh dịch tăng cao. Về hướng xử lý đơn giản ở nhà với trẻ bị viêm phổi, PGS – TS Nguyễn Thị Yến, phó chủ nhiệm bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Nguyên tắc để điều trị viêm phổi đầu tiên là không được dùng kháng sinh bừa bãi. Viêm phổi do vi rút chiếm khoảng 70 -80%, khi không phát hiện ra được vi rút nhiễm khuẩn thì chưa vội dùng kháng sinh. Nguyên tắc thứ 2, bệnh nhân viêm phổi thường có dịch xuất tiết (dịch nhầy) rất nhiều, do vậy để dịch xuất tiết chảy ra ngoài thì các bà mẹ phải làm vệ sinh sạch sẽ đường thở bằng các dung dịch nước muối sinh lý, nước muối biển sâu... Các bà mẹ xịt rửa mũi và làm sạch đường thở cho em bé. Bên cạnh đó, cần cho em bé uống nhiều nước, không phải uống ngay một lúc mà uống từ từ dần dần trong ngày. Uống nhiều nước sẽ làm sạch miệng, lỏng dịch xuất tiết, đặc biệt là đờm, làm cho em bé dễ nuốt xuống và hạn chế các cản trở trên đường hô hấp”.
Để trẻ tránh bị viêm phổi mùa hè các mẹ nên lưu ý:
+ Trước tiên phải đảm bảo tiêm chủng đầy đủ.
+ Môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không quá nóng, không quá lạnh. Tránh các yếu tố gây kích ứng cho đường thở như: khói bụi, thuốc lá, hóa chất, lông động vật….
+ Trẻ cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem.
Theo afamily.vn