Vitamin A rất cần thiết cho quá trình nhìn của mắt, giúp trẻ nhìn tốt và có thể phân biệt màu sắc. Biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là giảm khả năng nhìn lúc ánh sáng kém (hay còn gọi là quáng gà) và nặng hơn có thể dẫn đến khô giác mạc, thậm chí có thể gây mù vĩnh viễn.
Trẻ uống Vitamin A trong ngày vi chất dinh dưỡng.
Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, cho nên nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn của trẻ không cung cấp đủ vitamin A cho cơ thể. Đối với trẻ cho ăn dặm quá sớm, chế độ ăn dặm thiếu rau, đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.
Trẻ em dưới 3 tuổi cũng dễ bị thiếu vitamin A, vì trẻ đang trong giai đoạn lớn nhanh cần nhiều vitamin A. Ở tuổi này do chế độ nuôi dưỡng thay đổi (giai đoạn cai sữa và ăn bổ sung), dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nên có nguy cơ thiếu vitamin A. Ngoài ra, khi trẻ bị mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu vitamin A. Trẻ bị nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin A. Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường kèm theo thiếu vitamin A, vì cơ thể thiếu đạm để chuyển hóa vitamin A.
Theo SKDS