Bệnh bắt đầu bằng triệu chứng giống như cảm lạnh và có thể có ho ít, sốt nhẹ, chảy nước mũi. Vì vậy, ho gà ở giai đoạn đầu tương đối giống với triệu chứng cảm lạnh nên nó thường ít được nghĩ tới và ít được chẩn đoán cho tới khi các triệu chứng nặng hơn xuất hiện. Sau 1 - 2 tuần, bắt đầu ho nhiều hơn, nặng hơn, nhất là vào ban đêm. Thông thường, các cơn ho kịch phát xảy ra nhanh có thể dẫn đến nôn khan hoặc nôn. Bệnh ho gà có thể xuất hiện một loạt cơn ho liên tục trong nhiều tuần. Ho gà có thể gây ho dữ dội và ho nhanh, nhiều, kéo dài cho tới khi khí ra khỏi phổi và trẻ phải hít vào gắng sức tạo ra một tiếng rít lớn. Khi cơn ho kéo dài, trẻ đỏ bừng mặt, chảy nước mắt, nước mũi (ở trẻ lớn hoặc người trưởng thành ít khi có tiếng rít). Thường thấy trẻ kiệt sức, mệt mỏi sau mỗi cơn ho nhưng trẻ thường trở lại bình thường ngay sau hết cơn ho.
Ở trẻ sơ sinh, ho ít, thậm chí không ho. Tuy vậy, nguy hiểm nhất là trẻ sơ sinh có thể có hiện tượng ngừng thở. Ngừng thở là một tình trạng tạm dừng hô hấp trong một khoảng thời gian nhất định của trẻ. Vì vậy, ho gà là một trong các bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ, số trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị ho gà phải nhập viện chiếm tới 50%. Sau khoảng 2 tuần bị bệnh, rất dễ lây lan cho nhiều trẻ khác chưa có miễn dịch chống vi khuẩn ho gà.
Để chẩn đoán bệnh ho gà trước tiên là dựa vào các triệu chứng lâm sàng điển hình, nếu có điều kiện cần nuôi cấy phân lập vi khuẩn bằng môi trường đặc hiệu. Ngày nay, phản ứng sinh học phân tử (PCR) phát triển có thể được áp dụng để chẩn đoán nhanh và chính xác.
Chữa trị và phòng ngừa?
Kháng sinh sử dụng chữa trị ho gà còn có tác dụng tốt nhưng phải theo phác đồ của Bộ Y tế. Cần kết hợp các thuốc kháng histamin, thuốc an thần vì trẻ ho nhiều về đêm gây mất ngủ và cần lưu ý nâng thể trạng cho trẻ.
Khi trẻ bị bệnh, cần cách ly với các trẻ lành, không cho các trẻ bị bệnh ho gà đến lớp học. Phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin theo lịch tiêm của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Theo SKDS