Khoảng 20-50% người Việt có thể bị nhiễm giun, đa phần là trẻ em, học sinh. Với tỷ lệ này, theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở châu Á. Tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với kiến thức vệ sinh hạn chế nên người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dễ trở thành đối tượng của các bệnh lý nguy hiểm do nhiễm giun lâu dài.
Con đường lây truyền của giun
Giun là loài sống ký sinh trong ruột người, số lượng trứng chúng đẻ ra mỗi ngày nhiều vô số kể. Thông thường, cách lây truyền của chúng theo đường đại tiện của người ra ngoài đất. Sau đó trứng giun phát triển rồi quay lại gây nhiễm bệnh cho người khác, thậm chí là gây tái nhiễm lại cho chính mình.
Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng nhiễm giun.
Ở các loại như giun đũa, giun tóc, giun kim… thì đường lây qua đường tiêu hóa. Nếu ăn phải thức ăn bẩn hoặc vệ sinh kém, khi xâm nhập qua đường miệng vào trong dạ dày, trứng giun sẽ nở thành ấu trùng giun. Ấu trùng giun chui qua thành ruột non vào máu, theo dòng máu đi khắp nơi trong cơ thể, sau đó đến phổi, và chúng phát triển thành ấu trùng trưởng thành hơn, rồi di chuyển ngược lên phế quản đến họng và sẽ bị nuốt trở lại xuống ruột non, tại đây chúng phát triển thành giun trưởng thành rồi lại tiếp tục đẻ trứng theo một “lập trình” gần như được mặc định sẵn.
Với giun móc thì trứng giun sẽ nở thành ấu trùng ở đất, sau đó ấu trùng giun xâm nhập cơ thể ký chủ chủ yếu là chui qua da (chân, tay…), vào máu hay rất ít trường hợp ấu trùng có thể qua đường miệng xuống ruột, rồi cũng vào máu và sau đó sẽ tiếp tục chu trình như là của giun đũa.
Và những hệ lụy đối với sức khỏe
Dù xâm nhập vào cơ thể người bằng con đường nào thì khả năng gây hại của chúng vô cùng nguy hiểm. Ở giai đoạn ấu trùng, giun đũa và giun móc có thể gây viêm phổi dị ứng, giun móc gây viêm da tại chỗ do ấu trùng qua da. Ở giai đoạn giun trưởng thành, do chất tiết của giun, hoạt động của giun gây kích thích hóa học, cơ học tại chỗ làm thành ruột bị tổn thương, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu lỏng, đi ngoài ra máu.
Giun đũa có chu kỳ phát triển trong 30 ngày, có thể gây tắc ruột, lồng ruột, viêm tắc ruột, giun chui ống mật, viêm ruột thừa, dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm khả năng phát triển trí tuệ của trẻ.
Giun tóc có chu kỳ phát triển 60 - 70 ngày, đẻ 3.000 - 20.000 trứng một ngày, sống 5 - 10 năm. Giun tóc có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, hội chứng giống lỵ, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, chán ăn, nhiễm nặng và kéo dài gây sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu nhược sắc.
Giun móc có chu kỳ phát triển trong 4-5 tuần, đẻ 9.000-30.000 trứng giun mỗi ngày, ký sinh trong tá tràng. Nó có thể gây thiếu máu nặng, suy tim, phù nề, phụ nữ rong kinh, vô kinh, gầy mòn, phù thũng, suy kiệt, phối hợp các bệnh khác.
Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ em lớn sống ở vùng nông thôn do tiếp xúc nhiều với đất cát, phân bón… Khi ấu trùng chui qua da thì tại chỗ cơ thể hay thấy nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ và ở giai đoạn ấu trùng qua phổi thì xuất hiện ho, ngứa họng, viêm họng. Trẻ nhiễm giun móc thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn đau âm ỉ, đau cả lúc no, lúc đói, táo bón, đi ngoài phân đen, chóng mặt, ù tai, da xanh, thiếu máu. Nếu không điều trị dần dần trẻ bị thiếu máu nặng và có thể tử vong do suy tim. Người nhiễm trứng giun mất 0,02 - 0,1ml máu một ngày gây thiếu máu nhược sắc, suy tim, suy kiệt, viêm dạ dày, tá tràng...
Phòng nhiễm giun thế nào?
Việt Nam là nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, môi trường ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi để các loại giun sinh sôi và phát triển. Vì thế cần phải nâng cao ý thức về vấn đề vệ sinh cũng như điều chỉnh lại thói quen ăn uống… để bảo vệ sức khỏe. Nên tẩy giun định kỳ mà không cần các chẩn đoán trước đó đối với tất cả mọi người có nguy cơ cao sống trong các vùng lây nhiễm. Môi trường tập thể, khu dân cư đông đúc hay trường học chính là những nơi lý tưởng nhất để tẩy giun định kỳ và đồng loạt (2 - 3 lần/năm). Ngoài ra, gia đình cũng là nơi đặc biệt quan trọng để các thành viên cùng nhau phòng bệnh và điều trị đồng thời, điều này sẽ đạt hiệu quả cao hơn vì tránh tái nhiễm.
Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, mỗi khi tay bị bẩn, sau khi chơi đùa xong, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, trước và sau khi cho người khác ăn…
Các loại rau sống và hoa quả phải được rửa sạch trước khi ăn. Không nên ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như: gỏi cá, tiết canh, bò tái…
Không uống nước chưa đun sôi từ các nguồn nước giếng, hồ, sông, suối…
Không để móng tay dài và cáu bẩn. Tuyệt đối không gặm móng tay (đối với trẻ em). Nên mang giầy dép khi ra ngoài, không ngồi lê trên đất.
Luộc sôi đồ dùng gia đình như: chăn, màn, ga trải giường, gối... vệ sinh sạch sẽ đồ chơi trẻ con nếu trong nhà có mầm nhiễm.
Không đại tiện, không phóng uế bừa bãi. Xử lý các chất thải, vệ sinh nhà cửa, trường lớp sạch sẽ.
Theo SKDS