Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Hen phế quản ở trẻ em

 Hen phế quản là một trong những bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em với độ lưu hành khoảng 10-30%. Trong 2 thập kỷ gần đây, tần xuất mắc cũng như những gánh nặng do bệnh gây ra đã gia tăng một cách nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu, nhất là ở trẻ em. Cũng giống như ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc hen ở trẻ em có sự khác biệt khá lớn giữa các khu vực và vùng lãnh thổ.

Nguyên nhân gây bệnh

Hen ở trẻ em có thể khởi phát trong năm đầu đời nhưng hơn 65% các trường hợp xuất hiện bệnh trong độ tuổi 2-5 và khoảng 10% khởi phát bệnh sau 5 tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng hen sẽ dần cải thiện khi trẻ lớn lên, tuy nhiên, cơ địa dị ứng, căn nguyên nền tảng gây ra bệnh thì vẫn tồn tại và trẻ có thể sẽ biểu hiện nổi trội các bệnh dị ứng khác như chàm cơ địa, viêm mũi dị ứng… Một số nghiên cứu theo dõi dài hạn được tiến hành trong cộng đồng đã cho thấy, khoảng 30% trẻ nhỏ có biểu hiện khò khè thở rít trong năm đầu đời, nhưng 2/3 trong số đó sẽ hết khò khè sau đó và không có các biểu hiện của bệnh hen. Số còn lại, thường là những trẻ có cơ địa dị ứng, sẽ tiếp tục tái diễn các triệu chứng của bệnh hen.

Cần đưa trẻ đi khám bệnh để được điều trị thích hợp.

Triệu chứng gây bệnh

Các triệu chứng hen ở trẻ em khá đa dạng, thường gặp là khó thở, khò khè, thở rít, có thể kèm theo ho khạc đờm, bệnh diễn biến từng đợt xen kẽ những giai đoạn ổn định không triệu chứng, một số trường hợp chỉ có biểu hiện duy nhất là ho kéo dài. Các đợt cấp của hen ở trẻ em thường xảy ra khi thay đổi thời tiết hoặc khi trẻ bị cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng do thuốc hoặc thức ăn, hít phải khói bụi, gắng sức.

Nói chung, các biểu hiện của hen ở trẻ em thường không đặc hiệu và có thể gặp trong nhiều bệnh hô hấp khác. Ngoài ra, trong quá trình khai thác tiền sử bệnh, người thân của trẻ cũng hay bị nhầm lẫn những tiếng khác ở đường hô hấp như tiếng rít thanh quản hoặc tiếng lọc xọc của đờm dãi thành tiếng khò khè của hen. Vì những lí do này, việc chẩn đoán hen ở trẻ em thường gặp nhiều khó khăn và dễ bị nhầm lẫn. Viêm đường hô hấp do virus là một bệnh điển hình dễ bị nhầm lẫn với hen. Bệnh này rất thường gặp ở trẻ nhỏ và cũng có nhiều biểu hiện lâm sàng giống hen nên rất khó chẩn đoán phân biệt với hen. Trên lâm sàng, các thầy thuốc thường có xu hướng gộp 2 bệnh này thành một nhóm và gọi chung là khò khè ở trẻ nhỏ. Cần nghĩ nhiều đến chẩn đoán hen nếu trẻ có khò khè tái diễn xuất hiện trước 3 tuổi, tiền sử gia đình có người thân mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn…, bản thân trẻ có mắc các bệnh dị ứng như chàm cơ địa, viêm mũi dị ứng, dị ứng thuốc…

Điều trị HPQ trẻ em có khó không?

Chiến lược điều trị hen ở trẻ em cần bắt đầu bằng việc chú ý phát hiện các dị nguyên gây bệnh cũng như các yếu tố làm nặng bệnh và cho trẻ tránh tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố đó, ví dụ: phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, khói, bụi, đặc biệt là khói thuốc lá, tiêm phòng cúm cho trẻ hằng năm vào mùa thu. Song song với việc kiểm soát môi trường sống, cần điều trị tốt nền viêm của bệnh bằng các thuốc có tác dụng chống viêm cũng giống như với hen ở người trưởng thành.

Tuy nhiên, trong việc lựa chọn thuốc điều trị hen ở trẻ em, bên cạnh hiệu quả điều trị, mức độ an toàn của thuốc cũng là một vấn đề được đặt lên hàng đầu vì cơ thể trẻ em thường nhạy cảm hơn với các độc tính của thuốc. 3 nhóm thuốc chủ yếu được dùng trong điều trị dự phòng hen ở trẻ em là corticoid dạng hít, thuốc kháng leukotrien (montelukast) và thuốc cường beta 2 giao cảm tác dụng kéo dài.

Các loại thuốc corticoid dạng hít

Trong vài thập kỷ gần đây, các loại thuốc corticoid dạng hít như budesonide, fluticasone, beclomethasone… đã được sử dụng hết sức rộng rãi và khẳng định được vai trò then chốt trong chiến lược điều trị dự phòng hen phế quản ở cả trẻ em và người lớn. Rất nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã được thực hiện để kiểm chứng hiệu quả điều trị và tính an toàn của các thuốc này đối với hen ở trẻ em. Kết quả thu được của hầu hết các nghiên cứu trên đều cho thấy, khi được sử dụng đúng liều lượng, đúng cách phun hít và tuân thủ điều trị nghiêm túc, corticoid dạng hít giúp giảm rõ rệt các triệu chứng hen, giảm số đợt hen cấp, nhu cầu sử dụng thuốc cắt cơn hen và giúp cải thiện chức năng phổi. Ngoài ra, rất nhiều nghiên cứu cũng khẳng định, corticoid dạng hít là an toàn với trẻ em ở liều điều trị thông thường, kể cả khi sử dụng kéo dài. Tuy nhiên, những nghi ngại về tính an toàn của corticoid hít đối với trẻ vẫn còn tồn tại khi có một số bằng chứng cho thấy, sử dụng corticoid hít liều cao và kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, mật độ xương và chức năng tuyến thượng thận của trẻ, mặc dù lợi ích của thuốc đem lại khi hen được kiểm soát tốt có thể lớn hơn so với các nguy cơ của thuốc.

Để giảm thiểu những nguy cơ do corticoid hít gây ra, cần xác định liều thấp nhất của thuốc đủ hiệu quả kiểm soát hen với mỗi trẻ. Ngoài ra, khi đã đạt được kiểm soát hen trong ít nhất 3 tháng liên tục, cũng cần cân nhắc giảm bậc điều trị bằng cách giảm liều corticoid hít đến một mức thích hợp để giảm nguy cơ tác dụng phụ và giá thành điều trị. Với tất cả các loại corticoid hít, việc dùng bình hít đúng kỹ thuật giúp tăng cường hiệu quả điều trị và giảm các tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân.

Gần đây, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm những loại corticoid hít thế hệ mới, hiệu quả và an toàn hơn với trẻ em. Ciclesonide là một ví dụ, với công thức phân tử nhỏ, thuốc có thể lắng đọng được ở các đường thở ngoại biên và đem lại hiệu quả điều trị cao hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy, ciclesonide ít ảnh hưởng hơn đến sự phát triển chiều dài xương của trẻ so với một số corticoid hít cũ.

Thuốc kháng leukotrien (montelukast)

Trước những lo ngại về nguy cơ tác dụng phụ của corticoid hít đối với trẻ em, chiến lược điều trị hen ở nhóm tuổi này đã có những đổi mới quan trọng trong thời gian gần đây, với việc mở rộng dùng những thuốc kiểm soát hen không chứa corticoid và các thuốc kháng leukotrien như montelukast là một trong những sự lựa chọn.

Với các bằng chứng y học có được đến nay, montelukast được chỉ định dùng đơn trị liệu trong điều trị dự phòng các trường hợp hen nhẹ hoặc phối hợp với corticoid hít trong những trường hợp hen không kiểm soát được bằng corticoid hít đơn thuần ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi trở lên, đặc biệt các trường hợp hen có kết hợp với viêm mũi dị ứng. Montelukast có thể là một sự lựa chọn thích hợp ở trẻ em vì có độ an toàn khá cao, dùng đường uống nên dễ sử dụng và có hàm lượng khá linh hoạt, phù hợp với các nhóm tuổi khác nhau.

Thuốc cường beta 2 giao cảm tác dụng kéo dài

Cùng với 2 nhóm thuốc trên, các thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài dạng hít cũng được sử dụng rất rộng rãi trong dự phòng hen ở trẻ em. Có 2 dẫn xuất trong nhóm này là formoterol được cấp phép sử dụng trong điều trị dự phòng hen ở trẻ em trên 6 tuổi và salmeterol với trẻ trên 4 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, với những trường hợp hen ở trẻ em không kiểm soát được bằng corticoid hít đơn thuần, việc phối hợp thêm các thuốc cường bêta 2 kéo dài đem lại hiệu quả kiểm soát hen tốt hơn so với việc tăng gấp đôi liều corticoid hít hoặc phối hợp thêm các thuốc khác. Formoterol và salmeterol nên được dùng phối hợp với corticoid hít vì sự phối hợp này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát hen mà còn có thể giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ và “nhờn thuốc” của hai loại thuốc trên khi sử dụng kéo dài.

Trong điều trị cắt cơn hen ở trẻ em, nên ưu tiên sử dụng các thuốc cường bêta 2 tác dụng nhanh như salbutamol, bricanyl… Các thuốc này nên được dùng qua đường phun hít như qua máy khí dung, bình xịt định liều chuẩn. Đối với trẻ nhỏ < 7 tuổi, nếu dùng bình xịt định liều nên phối hợp với buồng đệm để tăng tác dụng điều trị và giảm nguy cơ tác dụng phụ của thuốc. Cha mẹ của các bệnh nhi bị hen phế quản cần thường xuyên mang thuốc cắt cơn hen bên mình để xịt cho trẻ khi cần. Các thuốc cường bêta 2 giao cảm mặc dù có tác dụng giãn phế quản nhanh và mạnh nhưng nếu dùng liên tục sẽ dẫn đến nguy cơ nhờn thuốc và giảm dần hiệu quả điều trị.

Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyên phải dùng các thuốc cắt cơn hen là dấu hiệu cho thấy tình trạng hen của trẻ chưa được kiểm soát tốt, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để thay đổi phác đồ điều trị nhằm đạt được kiểm soát hen tối ưu. Các thuốc corticoid đường toàn thân như prednisolon, dexamethasone… có nhiều tác dụng phụ, nên cần hạn chế dùng trong các đợt hen cấp nặng ở trẻ em. Thuốc cắt cơn nhóm xanthine không nên dùng cho trẻ em vì nhiều tác dụng phụ. Chú ý, khi thấy trẻ tím tái, thở rất nhanh (trên 70 lần/phút), khóc yếu ớt hoặc nói nhát ngừng, xịt thuốc cắt cơn không đỡ cần đưa ngay trẻ đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay