Trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết có nghĩa là lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, kéo dài có thể gây hôn mê, chết não. Sơ cứu đúng cách sẽ giúp hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhận biết trẻ bị hạ đường huyết
Ở trẻ sơ sinh các dấu hiệu của bệnh thường không rõ nét và không đặc hiệu, vì vậy cha mẹ khó có thể nhận biết được. Hầu hết các triệu chứng xuất hiện trong vòng từ 3 - 48 giờ sau khi sinh. Dấu hiệu đầu tiên là trẻ thường run lên nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, thân nhiệt giảm xuống nhanh, da dẻ nhợt nhạt, lạnh có thể tím tái, giảm trương lực cơ toàn thân. Ở trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết còn có các biểu hiện nghiêm trọng như: nhịp thở nhanh, thở gấp, mạnh. Một số trường hợp trẻ cũng có thể bị ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu nặng trẻ có thể bị co giật mạnh rồi chìm vào trạng thái vô ý thức, hôn mê li bì.
Ôm trẻ thật gần để giữ ấm, khuyến khích trẻ bú mẹ, giảm nguy cơ hạ đường huyết.
Xử trí đúng cách hạ đường huyết ở trẻ
Việc sơ cứu, điều trị hạ đường huyết cần đặc biệt tuân thủ các nguyên tắc là lập tức điều trị nâng cao độ đường trong máu, ngăn chặn nó tái diễn và điều trị các triệu chứng ban đầu.
Cần tùy thuộc vào các biểu hiện và độ tuổi để chọn biện pháp sơ cứu, điều trị thích hợp. Đối với những trẻ đẻ non 35 - 36 tuần hoặc đẻ đủ tháng, các bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi đẻ. Nếu trẻ không bú được cần được bác sĩ chăm sóc bằng việc truyền dung dịch đường (glucose 10%, 6-8mg/kg/phút). Trường hợp có biểu hiện thần kinh hư biến nhanh chóng, co giật, hôn mê cần sơ cứu co giật và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Đối với trẻ lớn, khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị hạ đường huyết, cha mẹ cần cho con ăn ngay các loại thức ăn như bột, cháo, sữa... Những ngày sau, nên cho trẻ ăn nhiều bữa, chia đều khoảng thời gian trong ngày để cho trẻ ăn.
Lưu ý với trẻ đang trong tình trạng đái tháo đường cần được tiêm đường ưu trương theo chỉ định của bác sĩ để trẻ không rơi vào tình trạng hôn mê. Ngoài ra, cha mẹ nên có chế độ ăn đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho tất cả các hoạt động trong ngày của trẻ.
Trong thời gian này nên cho trẻ bú mẹ thường xuyên, đặc biệt với bé hay ngủ và không chịu bú mẹ. Ôm bé thật gần với mẹ (tiếp xúc da mẹ với da bé là tốt nhất) vì điều này khuyến khích bé bú mẹ và cũng giữ ấm cho trẻ, giảm nguy cơ hạ đường huyết.
Theo SKDS