Hiện nay, ước tính trên thế giới có tới 2/3 số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi có liên quan đến yếu tố nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng không hợp lý là nguyên nhân trực tiếp của suy dinh dưỡng (SDD) và thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu vitamin A, thiếu sắt, thiếu iốt, thiếu kẽm).
Theo các công trình nghiên cứu, nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) có tác động lớn đến sức khỏe trẻ, làm giảm 13% tử vong trẻ dưới 5 tuổi nếu được bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh sẽ giảm được rủi ro mắc các bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch. Trẻ bú mẹ sẽ phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần, phòng tránh được thừa cân béo phì.
Vì sao trẻ được bú sữa mẹ lại khỏe mạnh?
Mỗi bà mẹ nên biết rằng, NCBSM là điều phù hợp với tập quán nuôi con của các bà mẹ Việt Nam từ bao đời nay. Nhìn từ góc độ khoa học thì đó là phương pháp nuôi con khoa học nhất vì sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh, thích hợp, vệ sinh và an toàn nhất đối với trẻ mà không có một loại sữa bột nào cũng như một sản phẩm thay thế sữa mẹ nào có được. Đó là do sữa mẹ có đủ năng lượng và các chất dinh duỡng cần thiết như chất đạm, béo, vitamin, chất khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự phát triển của trẻ. Thành phần sữa mẹ rất khác so với sữa bò, chất đạm (protein) trong sữa mẹ chủ yếu là các axit amin cần thiết, sữa mẹ luợng vitamin (A, C), chất khoáng (sắt, canxi) đều cao hơn sữa bò, ở tỷ lệ cân đối thích hợp cho việc tiêu hóa và hấp thu, vì thế trẻ bú sữa mẹ không bị thiếu máu, còi xương. Chất béo trong sữa mẹ là các axit béo không no, nhiều DHA, ARA có vai trò trong sự phát triển hệ thần kinh, trí não của trẻ. Ngoài các yếu tố về dinh dưỡng, sữa mẹ còn có các globulin miễn dịch. Trong sữa mẹ có lactoferin - một protein gắn với sắt, sự gắn kết này làm cho một số vi khuẩn có hại không phát triển được. Chất lysozym, một loại men có trong sữa mẹ cao hơn sữa bò hàng ngàn lần, chất này có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại và nhiều loại virut. Do đó, trẻ bú sữa mẹ ít bị tiêu chảy cũng như các bệnh nhiễm khuẩn khác. Sữa mẹ còn có yếu tố bifidus, một chất carbonhydrate có chứa nitơ, yếu tố này cần thiết cho sự phát triển của vi khuẩn lactobacillus bifidus, có vai trò biến một vài loại đường lactoza trong sữa thành axit lactic nên ngăn được sự phát triển của vi khuẩn và ký sinh trùng có hại, tăng cường hệ tiêu hóa. Trẻ bú sữa mẹ ít bị dị ứng, eczema hơn ăn sữa bò. Và một điều rất quan trọng là khi NCBSM, các bà mẹ có nhiều thời gian gần gũi với con, điều này rất có ích cho sự phát triển hài hòa của trẻ, gắn bó tình cảm mẹ con, bé lớn lên trong tình yêu thương sẽ phát triển tốt về tâm lý, thông minh khỏe mạnh.
Cần cho con bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ thường cho con bú khi bầu sữa căng sữa, người ta quen gọi là “xuống sữa”, như vậy là không đúng vì càng làm sữa xuống chậm và càng dễ bị mất sữa. Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng 1 giờ đầu mẹ nên cho trẻ bú để bé bú được sữa non. Sữa non có màu vàng nhạt, đặc sánh. Thành phần sữa non, ngoài chất dinh duỡng có nhiều kháng thể (IgA), các tế bào bạch cầu có tác dụng bảo vệ cơ thể trẻ chống nhiễm khuẩn và dị ứng. Trong sữa non có các yếu tố phát triển giúp bộ máy tiêu hóa trưởng thành, chống dị ứng và không dung nạp thức ăn khác. Sữa non có nhiều vitamin A phòng chống nhiễm khuẩn và bệnh khô mắt; nó có tác dụng xổ nhẹ giúp cho việc tống phân su, đào thải bilirubin, làm trẻ đỡ vàng da; nó còn có những bạch cầu này tiết ra IgA, lactoferin, lysozym, những chất này ức chế hoạt động của một số virut.
Để trẻ mau lớn, mẹ nên cho trẻ bú theo nhu cầu, không theo giờ giấc kể cả ban đêm vẫn cho trẻ bú nếu trẻ khóc đòi ăn. Vì sữa mẹ tiết theo cơ chế phản xạ, vì thế trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết sữa nhiều. Trong 6 tháng đầu, nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn, nhiều bà mẹ do điều kiện kinh tế phải đi làm từ khi trẻ mới được 2 - 3 tháng, để tận dụng nguồn sữa mẹ, các bà mẹ nên vắt sữa để lại nhà cho bé ăn, tranh thủ trưa về cho bé bú và tăng cường cho bé bú nhiều hơn nhất là vào ban đêm. Sữa mẹ nếu được vắt đúng cách, đảm bảo vệ sinh và bảo quản tốt (để nơi mát, ngâm cách thủy nước lạnh) có thể cho trẻ ăn trong 4 giờ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh được 1 - 2 ngày. Bằng cách này các bà mẹ có thể duy trì cho con bú đến 18 - 24 tháng. Nếu trẻ được bú sau 1 năm, với lượng sữa mẹ trẻ bú cũng cung cấp được 1/3 nhu cầu năng lượng, 50% nhu cầu lượng chất đạm (protein), đặc biệt là hàm lượng vitamin A cũng rất cao có thể đạt được 75% nhu cầu vitamin A của trẻ, như vậy sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng chống thiếu vitamin A, khô mắt.
Để có đủ sữa cho trẻ
Muốn có sữa cho con bú thì ngay trong thời kỳ mang thai mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tăng cân tốt (10-12kg/1 thai kỳ), đó là nguồn dự trữ các chất dinh dưỡng để sản xuất sữa sau sinh. Khi cho con bú điều trước tiên cần phải quan tâm là người mẹ phải kiên trì, tin tưởng vào việc NCBSM, luôn được gia đình, người thân, bạn bè quan tâm giúp đỡ, động viên khuyến khích tạo điều kiện để cho bú, nhất là khi đi làm trở lại. Trong thời gian nuôi con, mẹ cần ăn đủ chất, uống đủ, ngủ đẫy giấc. Có chế độ ăn uống bồi dưỡng hơn bình thường, nên ăn thêm hoa quả chín để đủ vitamin. Chú ý uống nhiều nước (1,5 - 2 lít/ ngày). Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi có thể qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú. Khi cho con bú nên hạn chế dùng thuốc tân dược vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc hoặc làm giảm bài tiết sữa.
Tư thế bú đúng
Khi cho con bú, bà mẹ bế trẻ ở tư thế thoải mái, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ, miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú, cằm tỳ vào vú mẹ, bú đúng sẽ giúp trẻ bú được nhiều sữa, mẹ không bị đau rát, nứt núm vú, căng tức sữa.
Theo SKDS