Thời tiết chuyển sang thu cũng là điều kiện cho nhiều dịch bệnh bùng phát trong đó có bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay thời tiết miền Bắc đang trong gia đoạn chuyển mùa, còn khu vực miền Nam mưa nhiều, ẩm ướt tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh bùng phát trong đó có bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng.
Trẻ em là đối tượng rất mắc bệnh nếu không có biện pháp phòng bệnh tích cực thì có thể làm bùng phát dịch bệnh nguy hiểm.
Không chủ quan với bệnh chân tay miệng
Khoảng 2 tuần nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đột ngột tăng cao, có khả năng bộc phát dịch ở một số quận huyện nếu không tích cực phòng chống.
Thông tin trên do bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết tại buổi giao ban giữa Sở Y tế TP.HCM với các quận huyện ngày 1-10. Theo bác sĩ Dũng, tháng 8-2014 TP có 519 ca mắc bệnh tay chân miệng thì đến tháng 9 đã lên đến 799 ca.
Bên cạnh bệnh tay chân miệng thì sốt xuất huyết cũng đang tăng theo mùa. Tháng 8-2014, TP có 705 ca sốt xuất huyết thì sang tháng 9 đã là 825 ca. Dù số ca mắc bệnh sốt xuất huyết hiện đang tăng nhưng số ca từ đầu năm đến nay vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013.
Các chuyên gia y tế nhận định, hiện dịch bệnh tay chân miệng đang bắt đầu vào mùa, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là do thời tiết, mưa-nắng nóng nhiều, thất thường. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường tiêu hóa.
Ở miền Bắc, tại các bệnh viện mỗi ngày tiếp nhân một số ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị.
Bệnh tay chân miệng (TCM) là một bệnh nhiễm virut cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông…
Virut gây bệnh TCM có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virut vẫn tồn tại trong phân). Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Thời tiết chuyển sang thu cũng là điều kiện cho nhiều dịch bệnh bùng phát trong đó có bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng.
Phòng bệnh là điều quan trọng
Bệnh tay chân miệng lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng chủ yếu là giữ vệ sinh cá nhân.
Rửa tay sạch sẽ đúng cách bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa.
Rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng xà phòng bởi siêu vi trùng gây bệnh tay chân miệng thường bám dính và tồn tại khá lâu trên vật dụng và đồ chơi của trẻ, trẻ em thường hay bỏ những vật dụng hoặc đồ chơi vô miệng nên rất dễ bị nhiễm bệnh.
Lau sạch sàn nhà, bàn ghế bằng dung dịch sát khuẩn vì sàn nhà là nơi trẻ thường xuyên chơi đùa, nếu không sạch sẽ dễ lây bệnh tay chân miệng. Việc lau chùi sàn nhà sạch sẽ theo khuyến cáo của ngành Y tế bao gồm: lau hoặc rửa sạch bụi và các chất bẩn trên sàn nhà bằng nước và xà phòng trước, sau đó mới lau bằng dung dịch khử khuẩn đã pha. Để trong 10 - 20 phút, sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô. Dung dịch dùng để khử khuẩn đồ chơi cho trẻ và lau sàn nhà được khuyến cáo là dung dịch cloramin B hoặc dung dịch nước Javel theo hướng dẫn pha và sử dụng của ngành Y tế.
Cần đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụn, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống…
Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe cho trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Khi thấy các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng loét họng, thường biểu hiện bằng chảy nước miếng nhiều và biếng ăn, biếng bú, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân… cần đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị.
Theo SKDS