Hẹp bao quy đầu (BQĐ) là bệnh thường gặp không chỉ ở trẻ em mà ngay cả người lớn cũng có thể bị. Người trưởng thành hẹp BQĐ là do từ lúc còn bé đã bị hẹp nhưng khôngphát hiện hoặc người nhà không để ý, đến khi trưởng thành thấy nhiều điều bất tiện xảy ra mới đi khám bệnh. Hẹp BQĐ để lại nhiều điều phiền toái cả hiện tại lẫn về sau.
Khi nào gọi là hẹp BQĐ?
Khi mới lọt lòng, nhiều trẻ đã có hiện tượng hẹp BQĐ. Đây là hiện tượng hẹp BQĐ sinh lý, do BQĐ không tụt xuống được gây nên hiện tượng dính BQĐ với quy đầu. Bình thường các trẻ không bị hẹp BQĐ là do khi dương vật cương lên (do phản xạ tự nhiên hoặc phản xạ đi tiểu) mà có sự co kéo làm cho BQĐ của trẻ tụt xuống, quy đầu lộ ra và không gây hẹp BQĐ. Hầu hết các trẻ em trai khoảng 3 tuổi là BQĐ tụt xuống, trọn vẹn chỉ có một tỷ lệ nhất định (khoảng 1%) BQĐ bị dính vào quy đầu không tụt xuống được, gọi là hẹp BQĐ. Trong những năm đầu của tuổi sơ sinh, khi cơ thể trẻ phát triển dần lên thì dương vật của bé cũng phát triển theo và bắt đầu có sự bài tiết và bong ra các tế bào chết của thượng bì da BQĐ, các tế bào thượng bì bong ra, tích tụ lại tạo thành chất màu trắng nằm ngay ở da BQĐ. Chất màu trắng này càng ngày càng nhiều, nếu trẻ không bị hẹp BQĐ thì chúng sẽ bị trôi đi qua các lần tắm, rửa, nếu bị hẹp BQĐ thì chất cặn này càng ngày càng tích tụ lại và rất dễ nhiễm trùng.
Tác hại của hẹp BQĐ
Do trẻ bị hẹp BQĐ nhưng bố mẹ không để ý hoặc không biết đó là hẹp BQĐ nên không chú ý, chỉ khi trẻ mắc một số bệnh mà khi khám bệnh thầy thuốc mới cho biết là cháu bị hẹp BQĐ và đó là tác hại của việc hẹp BQĐ mà không biết để xử lý sớm. Khi hẹp BQĐ thì hiện tượng ứ đọng nước tiểu mỗi lần đi tiểu, da BQĐ sẽ căng phồng lên, vì lỗ chảy rất bé nước tiểu không tống ra kịp, sau một thời gian nước tiểu mới chảy ra hết. Nước tiểu cứ bị ứ đọng nhiều lần và kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, thêm vào đó là việc trẻ không được vệ sinh tốt vùng BQĐ và quy đầu thì rất dễ nhiễm trùng BQĐ. Khi BQĐ bị viêm nhiễm sẽ tấy đỏ, xuất tiết, kết hợp với các tế bào thượng bì bong ra và đọng lại có màu trắng, có hạt hơi rắn ở xung quanh rảnh quy đầu và ngay cả ở quy đầu làm cho trẻ đi tiểu khó, đau.
- Tiểu dắt: do hẹp BQĐ và bị viêm nhiễm gây đau nên trẻ không đi tiểu hết nước tiểu mà bị gián đoạn gọi là tiểu dắt.
- Ở người trưởng thành mà vẫn bị hẹp BQĐ thì khi dương vật cương lên do phản xạ hay do buồn tiểu sẽ gây đau. Ngược lại, do đau cũng làm cho dương vật không cương cứng được ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng.
- Nếu biết hẹp BQĐ mà không được phẫu thuật tách, bóc sớm thì về sau khi có gia đình còn có những hậu quả xấu hơn như rối loạn xuất tinh ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, đặc biệt có thể có hậu quả xấu là bị ung thư dương vật. Người ta thấy trong số người bị ung thư dương vật thì bệnh nhân có hẹp BQĐ chiếm tỷ lệ cao hơn những bệnh nhân không bị hẹp BQĐ.
Nên làm gì khi nghi trẻ bị hẹp BQĐ?
Khi có hiện tượng bất thường về đi tiểu của trẻ hoặc khi tắm cho trẻ không thấy quy đầu hoặc nghi ngờ cháu hẹp BQĐ thì nên cho trẻ đi khám bệnh. Đối với người trưởng thành, nếu thấy BQĐ không tụt xuống được, tiểu khó, nước tiểu ứ đọng, khi dương vật cương thấy đau… cũng cần đi khám để xác định và xử lý càng sớm càng tốt.
Cần vệ sinh BQĐ hàng ngày cho trẻ mỗi khi tắm, rửa. Cần lộn BQĐ ra và dùng vòi nước sạch cho chảy nhẹ nhàng vào rảnh quy đầu cho đến khi thấy các chất cặn bẩn có màu trắng đã hết thì cho BQĐ trở về vị trí ban đầu. Những ngày đầu, lần đầu vệ sinh BQĐ cho trẻ nhất là lúc lộn BQĐ ra làm cho trẻ sẽ khó chịu, thậm chí kêu đau, khóc thét, vì vậy cần động viên trẻ và làm thật nhẹ nhàng, từng bước một để những lần sau trẻ không sợ và với trẻ lớn có thể hướng dẫn kỹ cho trẻ thì trẻ cũng có thể tự làm được các thao tác đơn giản này.
Khi đã được bác sĩ khám và xác định bị hẹp BQĐ thì nên phẫu thuật càng sớm càng tốt, muộn lắm là trước 15 – 16 tuổi (tuổi dậy thì của con trai). Theo khuyến cáo của một số tác giả nước ngoài thì nếu vệ sinh hàng ngày và dùng nước vòi rửa sạch chất cặn, bẩn thì có thể tránh được phẫu thuật nhưng tỷ lệ khỏi hẳn không cao.
(Theo suckhoedoisong)