Chảy máu mũi (chảy máu cam) là hiện tượng thường gặp ở khá nhiều trẻ. Vậy vì sao trẻ bị chảy máu cam và làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ. Dưới đây lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa về cách phòng và điều trị bệnh.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam, là hiện tượng bệnh lý thuộc vùng tai mũi họng khá phổ biến, thường gặp ở trẻ em. Chảy máu cam tuy ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng không thể xem thường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này và mỗi một nguyên nhân sẽ có cách khắc phục khác nhau.
Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, dấu hiệu để nhận biết khi trẻ cháy máu mũi khá đơn giản, có bé thì tự nhiện máu chảy ra ngoài mũi, hoặc có trường hợp trẻ cháy máu vào trong và sau đó khạc nhổ ra máu.
Nguyên nhân dẫn đến chảy máu mũi ở trẻ có 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất do bệnh lý ở mũi tại chỗ và nhóm thứ hai nằm ở trong nhóm bệnh toàn thân gây chảy máu.
Ở trẻ nhỏ, chảy máu mũi hay gặp nhất là do nguyên nhân ở tại mũi như do viêm mũi, ngứa mũi. Vì khi trẻ bị ngứa mũi thường cho tay vào ngoáy hoặc khi ngạt mũi, trẻ thường sì mũi mạnh quá làm vỡ điểm mạch, gây chảy máu.
Cách phòng và điều trị chảy máu cam ở trẻ:
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, khi thấy trẻ bị chảy máu mũi chúng ta cần cầm máu cho trẻ bằng cách dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái bóp nhẹ vào hai lỗ mũi của trẻ và bảo bé há mồm ra thở bằng mồm trong khoảng từ 3 - 5 phút rồi bỏ tay ra.
Trong trường hợp trẻ không chịu cho bóp mũi thì có thể lấy bông vô khuẩn nhét vào mũi, nhưng cách này không tốt cho lắm.
Nếu đã làm như các cách trên mà máu vẫn tiếp tục chảy nhiều cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Theo SKDS