Để phòng tránh bệnh viêm phổi cũng như một số bệnh khác, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ dược 18 - 24 tháng.
Viêm phổi dù có thể phòng ngừa- Mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em tử vong
Cứ 20 giây có 1 trẻ em tử vong vì viêm phổi trên thế giới. Việt Nam mỗi năm có đến 2,9 triệu lượt mắc bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi và chúng ta cũng là 1 trong 15 quốc gia chiếm 75% gánh nặng viêm phổi toàn cầu... Đây là những thông tin được BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết tại buổi tọa đàm “Phòng chống viêm phổi, bảo vệ trẻ em”, do Hội Y học dự phòng tổ chức.
Bệnh nguy hiểm và gây tử vong nhiều nhất
Chị Thái Sông Th. (ngụ Gò Vấp) lo lắng cho biết, mới hai tháng trước con chị (hơn 1 tuổi) phải nhập viện điều trị do bị viêm phổi. Bác sĩ đã chỉ định chích kháng sinh 7 ngày cho bé. Đến giờ, bé lại tiếp tục bị viêm phổi phải nhập viện. Cũng theo chị Th. chị chăm sóc con rất cẩn thận nhưng cứ đến giao mùa là bé lại bị ho, khò khè, khó thở, viêm phổi. Và điều chị lo lắng nhất là con chị bị tái phát trong thời gian ngắn, tiêm nhiều kháng sinh sẽ không tốt cho bé.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy viêm phổi là bệnh lây nhiễm nguy hiểm và gây tử vong nhiều hơn bất cứ bệnh nào khác; gây tử vong cao ở trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi năm trên thế giới có hơn 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì viêm phổi; tại Việt Nam, ước tính hằng năm có khoảng 2,9 triệu lượt mắc bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày có 30 - 40 trẻ bị bệnh đường hô hấp phải nằm viện điều trị nội trú, trong đó có viêm phổi.
Phế cầu - nguyên nhân chính gây ra viêm phổi
BS. Khanh cho biết, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ. Phế cầu là vi khuẩn thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em. Được lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người. Viêm phổi do phế cầu khuẩn cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong 10 - 20% và 50% ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ/người già.
Khi bị viêm phổi phế cầu, trẻ có triệu chứng ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đàm loãng xanh hoặc vàng. Những triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ, bỏ qua dẫn đến hậu quả khó lường, điều trị muộn.
BS. Trương Hữu Khanh cảnh báo, việc điều trị các bệnh do vi khuẩn phế cầu (S. pneumoniae) ngày càng khó khăn. Bởi loại vi khuẩn này đang gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh. Cụ thể, trong điều trị viêm phổi do phế cầu cho trẻ, bác sĩ phải phối hợp 2 đến 3 loại kháng sinh mạnh ở liều tối đa với chi phí rất tốn kém mới có thể điều trị khỏi bệnh.
Chung tay để trẻ em không còn tử vong do các căn bệnh có thể phòng tránh được!
Cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ nhỏ
Để phòng tránh bệnh viêm phổi cũng như một số bệnh khác, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ dược 18 - 24 tháng. Trẻ phải được chăm sóc, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ trẻ chống lại các mầm bệnh gây viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh khác. Khử sạch không khí ô nhiễm trong nhà, đặc biệt là khói từ các bếp lò không an toàn sẽ giúp làm giảm nguy cơ viêm phổi nặng ở trẻ.
Để tránh đưa trẻ nhập viện trong tình trạng nặng (sốt cao, khó thở, thở nhanh, suy hô hấp), phụ huynh cần chú ý theo dõi khi trẻ có những dấu hiệu chuyển nặng bằng cách đếm nhịp thở và phân biệt độ lõm ở lồng ngực để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Việc tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp cung cấp sự bảo vệ chống lại sự nhiễm khuẩn gây ra bởi nhiều chủng phế cầu khác nhau.
Theo SKDS