Để phòng bệnh hiệu quả, với trẻ nhỏ cần tiêm vắc - xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng 3 liều: mũi 1 khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi 2 sau đó 1 - 2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua tuổi 15.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở. Ở khu vực nông thôn, miền núi việc chăn nuôi lợn, nuôi chim tạo điều kiện cho virut có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, đặc điểm của virut này là bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, dưới ánh nắng mặt trời hoặc các chất tẩy rửa diệt trùng. Do đó, các hộ gia đình cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, xây dựng khu chăn nuôi cách xa nhà ở để bảo đảm sức khỏe.
Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; phun thuốc diệt muỗi và diệt lăng quăng/bọ gậy; cho trẻ mặc quần áo dài và ngủ màn; Sử dụng thuốc chống muỗi đốt hiệu quả và an toàn, trẻ hoàn toàn có thể sử dụng.
Trước thông tin một số người cho rằng “ăn quả vải có thể nhiễm virut viêm não Nhật Bản ”, PGS.TS Bùi Vũ Huy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khẳng định đây là thông tin không chính xác và sai lầm, virut viêm não Nhật Bản không hề tồn tại trong quả vải. Chính vì vậy, người dân khi thấy có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng nghi ngờ khác cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lời khuyên của thầy thuốc
Những người sống trong vùng có lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản cần chủ động tiêm phòng bệnh, cần tiêm trước mùa bệnh khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm. Khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản, tại chỗ tiêm có thể bị đau, sưng, đỏ (chiếm 5 - 10%). Một số có thể có phản ứng toàn thân: sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1 - 2 ngày. Phản ứng phụ thường gặp ở mũi tiêm thứ 2 hoặc thứ 3 hơn là ở mũi tiêm thứ 1. Sau khi tiêm có các biểu hiện khác thường cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
Theo SKDS