Do đặc điểm lứa tuổi, điều kiện sinh hoạt, học tập tập thể cùng các nguy cơ rình rập khiến các em học sinh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Bệnh tiêu chảy cấp tính
Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Bệnh gây tử vong cao do trẻ bị mất nước và các chất điện giải.
Nguyên nhân
Bệnh tiêu chảy cấp tính thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm.
Do người mẹ thiếu sữa hoặc trẻ bị cai sữa sớm nên phải ăn những thức ăn không thích hợp như ăn bột sớm, bột đặc, ăn nhiều hoặc các thành phần protein, lipit, cacbonhydrat… trong thức ăn không phù hợp với tuổi của trẻ.
Do dinh dưỡng không tốt dẫn đến tiêu chảy. Tiêu chảy là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng lại làm cho tiêu chảy tăng thêm.
Virut rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe doạ đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.
Do vi khuẩn tại ruột: Các vi khuẩn này gây bệnh qua thực phẩm và các dụng cụ cho trẻ ăn, uống. Bệnh cũng có thể lây qua bàn tay bẩn ở những người phục vụ trẻ.
Các vi khuẩn thường gặp là trực khuẩn E.coli đường ruột, trực khuẩn lỵ, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn thương hàn.
Do nhiễm khuẩn ngoài đường ruột: trẻ có thể bị tiêu chảy sau khi viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm phổi sau khi bị sởi hay ho gà.
Ngoài ra những yếu tố thuận lợi gây bệnh tiêu chảy cấp do điều kiện vệ sinh môi trường kém, khí hậu nóng, ẩm tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Những trẻ bị suy dinh dưỡng dễ dàng mắc bệnh tiêu chảy và bệnh sẽ kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong cao.
Biểu hiện của bệnh
Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần.
Nôn thường xuất hiện đầu tiên trong trường hợp tiêu chảy do virut Rota hoặc tiêu chảy do tụ cầu. Nôn liên tục hoặc vài lần làm cho trẻ bị mất nước và chất điện giải. Biếng ăn có thể xuất hiện sớm hoặc sau khi trẻ bị tiêu chảy nhiều ngày. Trẻ thường chán ăn, chỉ thích uống nước.
Trẻ hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật, hoặc mệt lả nằm li bì. Có thể trẻ còn bị khóc do nhiễm khuẩn.
Mất nước do tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong. Có 3 biểu hiện của sự mất nước ở trẻ bị tiêu chảy cấp:
Mất nước nhẹ: cân nặng của trẻ giảm dưới 5% trọng lượng cơ thể. Nhưng chưa có biểu hiện khát nước, môi chưa khô, mắt không bị trũng.
Mất nước vừa: cân nặng của trẻ giảm từ 5% đến 9% trọng lượng cơ thể. Trẻ khát nước nhiều, người vật vã, mắt trũng, miệng khô, da mất tính đàn hồi, thở nhanh.
Mất nước nặng: trẻ khát nước nhiều, người lờ đờ, mệt mỏi. Mạch đập nhanh, hạ huyết áp.
Các biện pháp phòng bệnh
Đề phòng trẻ mất nước khi tiêu chảy: nếu thấy trẻ đi tiêu chảy toé 2- 3 lần trong ngày, cần cho trẻ uống oresol để bù nước và điện giải.
Chế độ dinh dưỡng: Với trẻ nhỏ cần phải cho bé bú ngay từ khi mới sinh, đến 6 tháng tuổi cho trẻ ăn bổ sung, thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, tỷ lệ phải thích hợp với độ tuổi.
Vệ sinh trong vấn đề ăn uống: Dụng cụ chế biến và thức ăn phải sạch sẽ, tráng nước sôi trước khi cho trẻ dùng. Các loại quả phải được rửa sạch, gọt vỏ, bóc vỏ...
Vệ sinh môi trường: Nhà trường phải có nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt cho học sinh, khu vệ sinh của trường phải có đủ hố tiểu, hố tiêu, không để học sinh phóng uế bừa bãi… Rác phải để đúng nơi quy định tránh gây ô nhiễm.
Bệnh viêm gan A
Bệnh viêm gan A là một loại bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch với chiều hướng xảy ra theo chu kỳ. Bệnh có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi và thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh nhỏ tuổi (tiểu học) và lứa tuổi vị thành niên. Mọi người đều có tính cảm nhiễm đối với bệnh. Tính miễn dịch đặc hiệu được tạo thành sau khi mắc bệnh và có thể tồn tại suốt đời.
Vì sao mắc bệnh viêm gan A
Bệnh chỉ xuất hiện như là một nhiễm trùng mới, cấp tính, bệnh diễn biến từ vài tuần đến vài tháng và ít để lại những di chứng trầm trọng như xơ gan hay ung thư gan. Chúng lây qua đường tiêu hoá do ăn uống các loại thực phẩm, nước ô nhiễm…
Nếu một người nhiễm virut viêm gan A, làm công việc nấu ăn, phục vụ ăn uống trong bếp ăn tập thể… khả năng lây lan bệnh rất nhanh. Mọi người có thể nhiễm virut do ô nhiễm uống nước, do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh… Bệnh lây lan rất nhanh trước khi các triệu chứng xuất hiện nên khó phát hiện để phòng tránh.
Sau khi bị nhiễm virut 2- 3 tuần bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng hay có cảm giác khó chịu ở bụng, chán ăn, sốt nhẹ, vàng da và mắt, đau cơ, ngứa…
Phòng bệnh thế nào?
Thực hiện tốt vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Thực hiện ăn chín, uống sôi; cung cấp và sử dụng nước sạch, xử lý hệ thống rác và nước thải; những loại sò, trai, hến, tôm cua, ốc… ở những vùng nhiễm bẩn cần được đun sôi hoặc hấp chín trước khi ăn; khu nhà trẻ, mẫu giáo cần tuân thủ các quy tắc vệ sinh; tiêm phòng là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng bệnh viêm gan siêu vi A: Vaccine phòng viêm gan siêu vi A tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, thông thường tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 đến 12 tháng (94% - 100% sẽ được miễn nhiễm một tháng sau mũi tiêm đầu tiên, nếu được tiêm mũi thứ 2 kết quả sẽ tốt hơn).
Người đã nhiễm virut viêm gan A chưa khỏi, không nên chế biến, nấu nướng thức ăn cho gia đình hoặc nơi tập thể. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị nấu nướng hay ăn uống. Không dùng chung bát, đũa, khăn mặt, hay bàn chải đánh răng với người bệnh.. Không tắm ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm. Tại các vùng lũ lụt cần vệ sinh tốt nơi chứa nước sinh hoạt, tẩy uế và cho thuốc sát khuẩn. Chỉ sử dụng nước đã khử khuẩn cho sinh hoạt và nấu ăn.
Bệnh chân- tay-miệng
Bệnh chân - tay - miệng là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch. Bênh xảy ra quanh năm nhưng thường hay gặp vào mùa hè, mùa thu. Bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ em dưới 10 tuổi, cũng có thể gặp ở cả người lớn. Mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng không phải ai nhiễm cũng phát bệnh. Trẻ nhỏ, trẻ em và thiếu niên rất dễ nhiễm và rất dễ phát bệnh vì chúng có ít kháng thể.
Những yếu tố gây bệnh
Bệnh do virut thuộc nhóm enteroviruses (vi trùng đường ruột) gây ra. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước bọt, mụn, phân của người nhiễm. Tuần đầu tiên của người bệnh dễ lây sang người khác.
Khi bị nhiễm virut bệnh thường ủ từ 3- 5 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Đặc biệt bệnh rất dễ nhầm với các bệnh khác như viêm da bọng nước, thuỷ đậu. Trong 1-2 ngày có nốt hồng ban đường kính vài milimet nổi trên nền da, sau đó trở thành bọng nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay, cẳng tay, lòng bàn chân, cẳng chân. Ở miệng có dạng vết loét, thường ở trong miệng, ở trên lưỡi hay ở vòm miệng làm trẻ nuốt đau. Trong giai đoạn diễn biến, khi virut gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác, như lơ mơ, li bì mê sảng hay co giật. Nếu được điều trị kịp thời sẽ phục hồi nhanh nhưng sau đó vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài. Nếu không được điều trị bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Cần làm gì để có biện pháp phòng bệnh?
Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh và điều trị đặc hiệu. Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Chăm sóc trẻ bị nhiễm không ôm hôn, hay ăn, uống chung bát, đĩa, cốc.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da, niêm mạc cần cho trẻ súc miệng, tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bọng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày.
Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước hoa quả, nước cháo…
Không cần kiêng gió, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bệnh nặng như: sốt cao, rối loạn tri giác, co giật, bọng nước có mủ máu.
Theo SKDS