Năm nay tôi 23 tuổi. Tuần trước, trên mặt tôi có những mụn nhỏ, rất ngứa. Thỉnh thoảng có những nốt mọng nước... Tôi nên dùng thuốc gì để điều trị?
Trịnh Bích Vân (Vĩnh Hồ-Hà Nội)
Theo như chị tả trong thư thì chị đã bị chốc. Chốc là tình trạng nhiễm trùng ở rất nông trên bề mặt da với sự xuất hiện của các mụn mủ nhỏ và có khả năng lây lan mạnh. Chốc có 2 thể lâm sàng chính là thể có phỏng nước và thể không có phỏng nước. Vị trí thường gặp là ở mặt (đặc biệt quanh lỗ mũi) và chân tay (khi có vết rách hoặc xước da). Chốc có phỏng nước thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ lớn, chủ yếu gây ra do tụ cầu vàng, đặc trưng bởi sự tiến triển nhanh của các mụn nước hoặc mụn mủ thành bọng nước lớn. Chốc có thể lây lan rất mạnh và nếu không được điều trị, thường diễn biến dai dẳng nhưng cũng có thể tự khỏi. Các biến chứng nặng nề nhất của chốc là gây nhiễm trùng huyết và viêm cầu thận cấp (với các trường hợp chốc do liên cầu).
Trong điều trị, hầu hết các trường hợp phải dùng các kháng sinh đường uống có tác dụng tốt với liên cầu nhóm A và tụ cầu vàng như dicloxacillin, erythromycin hoặc azithromycin. Thời gian điều trị với nhiễm tụ cầu là 5 - 7 ngày và nhiễm liên cầu là 10 ngày. Trong những trường hợp vi khuẩn gây bệnh kháng lại các thuốc trên (thường gặp ở trẻ em), có thể dùng amoxicillin + clavulanic acid, cephalexin, cefaclor, hoặc clindamycin trong 10 ngày. Liều dùng thuốc như thế nào do bác sĩ chỉ định sau khi thăm khám cụ thể. Với những trường hợp tổn thương khu trú, diện tổn thương nhỏ, có thể chỉ cần lấy bỏ lớp vảy bẩn và sử dụng các kháng sinh bôi tại chỗ như neomycin, fusidic acid, mupirocin hoặc bacitracin. Nhưng tốt nhất chị nên đi khám ở phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và chỉ định dùng thuốc cụ thể.
(Theo BS. Nguyễn Hữu Trường // Báo Sức khỏe và Đời sống)