Xin bác sĩ cho em hỏi năm nay em 30T chưa có gia đình, sức khoẻ bình thượng bình thường em uống khoảng 2lit nước mỗi ngày, nhưng thời gian gần đây em thấy tự nhiên hay đi đái đêm, càng thức khuya càng đi nhiều, hay mất ngủ Em có đọc báo trí thấy hiện tượng của em giống với bênh đái tháo lat. Xin Bác sĩ cho em biết triệu chứng của bệnh đái thái lạt và cách chữa trị như thế nào, có thuốc nào điều trị bệnh này không Rất mong được Bác sĩ tư vấn Em xin chân thành cảm ơn! (luuly)
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Trả lời:
Nếu tiểu tiện quá nhiều, khoảng 4-8 lít/ngày; nước tiểu nhạt màu, không có đường, đó là lúc bạn nên nghĩ đến bệnh đái tháo nhạt. Việc uống ít nước chỉ làm bệnh nhân khó chịu chứ không làm giảm tiểu tiện.
Hoóc môn ADH có tác dụng chống lợi tiểu, được sản xuất từ vùng dưới đồi, dự trữ ở thùy sau tuyến yên rồi bài tiết vào cơ thể. Khi nồng độ ADH trong máu giảm, khả năng chống lợi tiểu giảm hoặc mất, người bệnh sẽ tiểu tiện nhiều, uống nhiều và gặp các rối loạn toàn thân do một lượng nước tiểu lớn bị đào thải ra ngoài. Đó là bệnh đái tháo nhạt. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào, hay gặp ở tuổi thiếu niên, nam nhiều hơn nữ.
Đái tháo nhạt tiên phát là do di truyền, thường xuất hiện sớm, có thể có tính gia đình hay tản phát; cũng có khi là di truyền liên quan đến giới tính. Đái tháo nhạt chưa rõ nguyên nhân chiếm đến 30% các trường hợp.
Biểu hiện điển hình
- Tiểu tiện nhiều 4-8 lít/ngày, có những trường hợp nặng có thể lên tới 40 lít/ngày; đối với trẻ nhỏ là 1-2 lít/ngày.
- Nước tiểu nhạt màu, không có đường, không có protein, tỷ trọng rất thấp. Việc uống ít nước chỉ làm bệnh nhân khó chịu, không giảm tiểu tiện, tỷ trọng nước tiểu không tăng.
- Do tiểu nhiều bệnh nhân rất khát nên uống rất nhiều. Trẻ em thường kêu khóc đòi uống nước, khi cho uống đủ nước thì nín. Lượng nước vào gần tương đương với lượng tiểu ra.
- Các triệu chứng toàn thân: Lúc đầu thường ít thay đổi, ngoại trừ ở trẻ nhỏ có thể thấy dấu hiệu mất nước mạn tính, rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, táo bón. Da người bệnh khô, xanh và ít ra mồ hôi, trẻ không thấy tăng cân, suy dinh dưỡng, sốt cao không rõ nguyên nhân... Nếu không được cung cấp nước đầy đủ, bệnh nhân có thể mất nước, trụy tim mạch.
Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ như ở trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để được làm xét nghiệm, chẩn đoán xác định, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thích hợp.
Bạn nên đi khám ngay để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời nhé! Chúc bạn sức khoẻ!
(Theo Thuốc & Biệt dược)