Tôi năm nay 46 tuổi được xác định bị thóai hóa đốt sống cổ thường hay bị đau,nhức,mõi từ gáy xuống cánh tay phải thường xuyên và nhiều khi thời tiết thay đổi hoặc khi sức khỏe không được khoẽin cho được BS tư vấn nên dùng thuốc gì thời gian sử dụng và phương pháp tập thể dục ,vật lý trị liệu Xin cám ơn (Nguyễn Thanh Huy)
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Trả lời:
Thoái hoá cột sống cổ là một bệnh thường gặp ở người trung, cao tuổi. Tổn thương thoái hoá của sụn khớp gây ra do quá trình sinh tổng hợp chất cơ bản (proteglycan) bởi các tế bào sụn có sự bất thường. Đặc trưng của bệnh là quá trình mất sụn khớp của lớp tế bào dưới sụn; tổ chức xương cạnh khớp được tạo mới. Ở thoái hoá cột sống, có sự kết hợp giữa hai loại tổn thương mang tính định khu đó là thoái hoá đĩa đệm và thoái hoá mỏm liên sau.
Thoái hóa cột sống cổ: hay gặp nhất là ở đốt sống cổ đoạn C5 – C6 và C6 – C7. Bệnh nhân thường đau vùng gáy lan xuống vai và cánh tay kèm theo tê vùng cánh tay, cẳng tay cho đến các ngón tay. Ngoài ra bệnh nhân còn nhức đầu vùng sau gáy, chóng mặt, ù tai, hoa mắt...
Chữa thoái hoá cột sống cổ như thế nào?
Điều trị bảo tồn và phẫu thuật là 2 phương pháp chủ yếu:
Điều trị bảo tồn dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ. Có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như lý liệu pháp, châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp và tập vận động cột sống cổ; người ta còn dùng các phương pháp đặc biệt như: kéo giãn cột sống cổ, đeo đai cổ, tiêm ngoài màng cứng.
Các trường hợp nặng, điều trị bảo tồn không kết quả thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Tạm thời, nếu quá đau, bác có thể dùng thuốc giảm đau, kháng viêm như Ibuprofene 200mg ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên sau khi ăn hoặc uống thay thế bằngParacetamol 500mg, ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên nếu bị đau dạ dày. Có thể kèm theo xoa bóp bằng cồn xoa bóp hay chiếu đèn hồng ngoại.
Phòng bệnh thoái hoá cột sống cổ ra sao?
Tránh mang vác nặng, tránh giữ lâu cổ ở các tư thế ưỡn ra sau, cúi cổ ra trước hay nghiêng cổ về một bên. Không vận động cổ quá mức. Tránh các tư thế lao động nghề nghiệp bất lợi cho cử động của cổ: thợ may, đánh máy chữ, thợ tiện, lái xe, nhạc công đánh trống, nghệ sĩ piano, xiếc nhào lộn... cần phải có chế độ nghỉ ngơi thư giãn xoa bóp, tập vận động cổ nhẹ nhàng.
Khi có triệu chứng bệnh cần sớm đến khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa.
Do đó bác nên đến chuyên khoa cơ – xương – khớp BV Bạch Mai để khám và cho làm các xét nghiệm như chụp X quang, MRI cột sống cổ... từ đó mới có hướng điều trị cụ thể được.
Chúc bác mau khỏi!
Bs.Thuocbietduoc
(Theo Thuốc & Biệt dược)