Tôi 32 tuổi, hay bị nhức nửa đầu bên phải, có lúc buồn ói, có lúc ói, nhức đến không thể mở mắt bên phải nổi. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán là đau nửa đầu, cho uống thuốc một tháng nhưng không hết đau đầu, chỉ hết ói. Không biết tôi bị chứng bệnh đó thật hay là bệnh gì khác? (tomkitty)
->> Chứng đau nửa đầu và thuốc trị
->> Đừng xem thường chứng đau nửa đầu
- Trả lời:
Qua các triệu chứng mà bạn mô tả và đã được chẩn đoán là đau nửa đầu, đây là vấn đề thường hay gặp ở nữ giới, có nguyên nhân từ hiện tượng rối loạn vận mạch của hệ thống mạch máu não.
Chứng đau nửa đầu có yếu tố gia đình, nếu cha hoặc mẹ bị đau nửa đầu thì tỷ lệ các con bị bệnh là 44%, trong trường hợp cả cha và mẹ đều bị đau nửa đầu thì tỷ lệ bệnh của các con lên đến 70%.
Cơn đau thường được khởi phát bởi một số yếu tố sau: khi bệnh nhân bị stress, chịu những biến cố đột ngột xảy đến… Đau nửa đầu cũng liên quan đến nội tiết, chính vì vậy cơn đau thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt, ở tuổi dậy thì, thời kỳ tiền mãn kinh, khi dùng thuốc ngừa thai… Có thể có các triệu chứng báo trước như: rối loạn tiêu hóa (chướng bụng, đầy hơi, chán ăn hoặc ăn nhiều); thay đổi tính tình đột ngột như rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, hoặc ngược lại, thể hiện một trạng thái hưng phấn như vui vẻ thái quá, hăng hái làm việc, nói nhiều…
Một cơn đau đầu điển hình thường kéo dài từ 4-24 giờ, một số trường hợp nặng có thể kéo dài lâu hơn. Những triệu chứng đi kèm với cơn đau nửa đầu thường gặp như buồn nôn, nôn ói, sợ tiếng động, sợ gió, sợ ánh sáng, tính tình thay đổi.
Điều trị bệnh đau nửa đầu không đơn giản, bởi không có loại thuốc nào có thể điều trị lành bệnh hoàn toàn mà chỉ có những loại thuốc cắt cơn đau và phòng ngừa cơn đau, điều quan trọng là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Tuy nhiên, để có thể giảm tần suất tái phát và giảm cường độ của cơn đau nửa đầu, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, giảm áp lực công việc, tránh những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, cố gắng giữ cho mình có một tinh thần lạc quan yêu đời. Người bệnh cũng cần phải điều chỉnh khẩu phần ăn, tránh ăn những thức ăn có thể gây khởi phát cơn đau nửa đầu (tôm, cua, cá, sò, ốc, chocolate, ca cao, pho mát, bơ hoặc uống một số thức uống có cồn như rượu vang đỏ), chuyên cần tập luyện thể dục thể thao, yoga, dưỡng sinh, khí công, đặc biệt quan trọng là tập thư giãn và thay đổi lối sống.
(Theo BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh/PNO)