Kính gửi bác sĩ! em có thai được 4tháng rồi, thứ sáu tuần vừa qua em đi đại tiện rất khó, nhưng em cố để đi, cuối cùng thì vùng hậu môn của em bị đau và bị lòi một cục bằng đầu ngón tay út, sau đó em đi tiểu vài lần em có thử dùng ngón tay của mình ấn nhẹ cho nó vào trong, nhưng sau đó nó lại lòi ra, nó làm em đau mỗi khi em ngồi hoặc vận động hơi mạnh, làm ơn giúp em giải quyết vấn đề này, có thuốc uống hoặc đặt vào đó không? hãy cho em hiệu thuốc bằng tiếng anh, vì em đang ở philippines. xin cảm ơn. (Trần ngọc linh)
(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)
Trả lời:
Khi mang bầu, thai phát triển to, đè lên vùng bụng làm các mạch máu bị chèn ép, các tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu cũng bị chèn ép, khó lưu thông dẫn đến cương lên, dễ gây ra trĩ. Bên cạnh đó, do rối loạn tiêu hoá khi mang thai, phụ nữ hay bị táo bón - một trong những nguyên nhân gây ra trĩ.
Ngoài ra, do thay đổi nội tiết khi mang thai nên khả năng bị trĩ ở phụ nữ mang thai cũng tăng lên. Đối với một số trường hợp khi sinh con, bị rạch tầng sinh môn, khi khâu, sản phụ có thể bị khâu chít vào một số mạch máu ở hậu môn, dẫn đến trĩ.
Phụ nữ mang thai nên làm gì để tránh nguy cơ bị bệnh này?
- Nên làm theo lời khuyên của bác sĩ: Tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn nhiều rau, củ, quả, không ăn nhiều muối, nhiều đường, không sử dụng thức ăn có chất kích thích; Phụ nữ mang thai nên cố gắng tránh bị lị, táo bón và viêm đại tràng; có tâm lý thoải mái vì nếu bị stress thường xuyên sẽ dễ bị viêm đại tràng chức năng. Phụ nữ muốn sinh con, nên điều trị dứt điểm trĩ trước khi mang bầu.
Đối với những người bị trĩ nói chung, sau khi đi vệ sinh, nên rửa bằng nước ấm và dùng vải thấm khô, không nên dùng giấy. Bệnh nhân bị trĩ có thể dùng nước pha muối và lá trầu không để vệ sinh hậu môn. Một điều bệnh nhân bị trĩ nên hết sức tránh là ngồi xổm. Nếu phải ngồi xổm để làm một việc gì đó, nên ngồi trên một chiếc ghế thấp.
Phương pháp tiêm vào búi trĩ để điều trị trĩ nội độ 1 - 2 và độ 3 nhỏ. Trĩ độ 1 là trĩ chưa sa ra ngoài, trĩ độ 2 là sa ra ngoài nhưng có thể tự co lên, trĩ độ 3 là sa ra ngoài, phải lấy tay đút lên, trĩ độ 4 là thường xuyên nằm ở ngoài. Đối với những người bị trĩ nội ở mức độ nặng và trĩ ngoại thì không thể áp dụng phương pháp tiêm.
Chế độ ăn uống nhiều rau quả giúp ngừa bệnh trĩ.
Bệnh nhân bị bệnh trĩ hầu như không ảnh hưởng tới thai nhi trừ phi phải dùng các loại thuốc đặc trị. Về vấn đề này, bệnh nhân nên có tư vấn với bác sĩ sản phụ khoa trước khi điều trị bênh trĩ.
Với những bệnh nhân đã mắc bệnh trĩ, nếu không điều trị dứt điểm và có hướng điều trị phù hợp thì khả năng mắc bệnh trở lại sẽ cao.
Trong hầu hết các trường hợp bị trĩ, hầu như bệnh nhân không biết là mình bị mắc bệnh. Tuy nhiên, có một số bước mà bệnh nhân có thể thử để ngăn chặn việc bị bệnh này:
- Duy trì sức khoẻ ổn định, cân bằng việc ăn uống trong quá trình mang thai để tránh bị táo bón. Chất xơ đặc biệt rất quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh. Bệnh nhân có thể tăng chất xơ bằng cách ăn thật nhiều hoa quả, rau, bánh mì, ngũ cốc, đỗ…
- Uồng nhiều nước và nước hoa quả nhưng tránh không uống trà hay cà phê vì chúng có thể làm bệnh nhân mất nước.
- Tập đi bộ thường xuyên và tập thể dục, chẳng hạn bơi. Điều này sẽ kích thích ruột, giúp khả năng tiêu hoá tốt hơn.
- Khi bệnh nhân cảm thấy cần phải đi vệ sinh thì hãy đi, đừng cố gắng nín, nhịn.
- Cố gắng tránh tình trạng căng thẳng và ngồi đúng tư thế khi đi vệ sinh
Trường hợp của bạn nên đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị. Chúng tôi không thể kê đơn thuốc cho bạn vì đơn thuốc chỉ được kê cho bệnh nhân sau khi thăm khám trực tiếp. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của Bác sĩ.
Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
Bs.Thuocbietduoc
(Theo thuốc & biệt dược)