Ngày 23/7, kết quả kiểm nghiệm một số loại nước uống đường phố tại Hà Nội đã được Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam thuộc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam công bố.
Được biết, trong tháng 7, Trung tâm Kiểm nghiệm và Hợp chuẩn, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu độc lập, ngẫu nhiên một số loại nước uống đường phố bao gồm: Mẫu nước trà chanh (phố Nhà Thờ); mẫu nước mía, mẫu nước nhân trần, mẫu nước trà xanh (đường Đê La Thành); mẫu nước ngô, mẫu trà bát bảo, mẫu nước trà đá (phố Cát Linh); mẫu nhân trần khô (Lãn Ông); mẫu nước vối (phố Hoàng Cầu).
Kết quả cho thấy, 90% số mẫu nước nhiễm vi khuẩn ecoli, 100% số mẫu nhiễm vi khuẩn B.cerus. Đây là hai loại vi khuẩn gây rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, 45% mẫu nước uống đường phố nhiễm nấm men và nấm mốc vượt quá giới hạn cho phép; đặc biệt 33% mẫu nhiễm kim loại nặng như chì, thủy ngân.
Tuy số mẫu chưa nhiều, nhưng có ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ nhiễm vi sinh vật, kim loại nặng ở thức uống đường phố. Mức độ nhiễm “bẩn” ở các mẫu đồ uống và nguyên liệu pha chế này cũng tương tự như nhiều kết quả xét nghiệm trước đó: 60-70% nhiễm vi sinh vật và 20% nhiễm kim loại nặng. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm trong nước uống đường phố còn chưa được các cơ quan chức năng thực sự quan tâm.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, đây là những nghiên cứu thăm dò ban đầu. Để đánh giá toàn diện và chính xác hơn về thức uống đường phố cần có những nghiên cứu ở quy mô lớn hơn với số lượng mẫu nhiều hơn.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo, nguy cơ ô nhiễm ở nước uống đường phố là có thật. Vì thế, người tiêu dùng nên lựa chọn những loại nước uống đóng chai, được chế biến và sản xuất bởi những nơi có uy tín, sản phẩm được cấp phép lưu hành.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 87 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 1.800 người mắc, hơn 1.600 người đi viện và 18 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ, số ca ngộ độc giảm 620 người, số đi viện giảm gần 300 người, tử vong giảm 4 người. Nguyên nhân gây ngộ độc có 44 vụ do vi sinh vật, 18 vụ do độc tố tự nhiên, 3 vụ do hóa chất và 22 vụ chưa xác định được nguyên nhân.
Theo VNmedia