Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Khi nào trứng gà gây độc?

 Khi nào thì loại thực phẩm bổ dưỡng là trứng gà này sẽ trở thành chất độc?

Trứng là loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng, lại rẻ tiền nên nó trở thành món ăn hàng ngày phổ biến ở nhiều gia đình. Thế nhưng mấy ngày gần đây, thông tin về 3 mẹ con ở Cao Bằng sau khi ăn trứng gà thì người mẹ tử vong, hai cháu bé phải đi cấp cứu đã khiến cho không ít người lo lắng. Vậy, khi nào thì loại thực phẩm bổ dưỡng này sẽ trở thành chất độc? Theo BS Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đó là khi bạn sử dụng trứng trong những tình huống sau đây:

 

Trứng gà là loại thực phẩm bổ dưỡng, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều sẽ nguy hại cho sức khỏe. 

1. Ăn trứng chần, trứng sống

Ăn trứng chần hoặc trứng sống không những không hấp thụ được dinh dưỡng mà còn không vệ sinh và dễ nhiễm trùng. Trứng gà chứa nhiều protein nhưng khi trứng còn sống, khả năng hấp thu của dạ dày và tá tràng đối với những protein này rất kém. Do không được hấp thu tốt ở dạ dày và tá tràng nên khi xuống ruột, trứng gà sống sẽ bị phân hủy ở đại tràng, sản sinh ra nhiều chất độc có hại cho cơ thể. Ngoài ra, nếu ăn phải trứng những con gà bị bệnh, những quả trứng bị nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc đã bị nhiễm virus H5N1, các mầm bệnh này sẽ xâm nhập vào cơ thể khiến người ăn trứng nhiễm bệnh, thậm chí sẽ bị tử vong.

 

Vi khuẩn Salmonella là một loại vi khuẩn gram âm, thường gặp nhiều trong thực phẩm bị ô nhiễm từ phân người và động vật. Gà, vịt rất dễ bị ô nhiễm Salmonella ở buồng trứng, đường đẻ trứng. Khi trứng thoát ra ngoài, Salmonella có thể qua các lỗ nhỏ li ti trên mặt vỏ trứng mà nhiễm vào trong quả trứng. Trứng vịt, ngỗng, ngan dễ bị xâm nhiễm hơn trứng gà, vì gà thường đẻ vào ổ nơi cao ráo, còn ngan, vịt thường đẻ ở chuồng nền đất hoặc ở ruộng nên dễ bị nhiễm bẩn từ phân và đất. Khi nhiễm Salmonella vào cơ thể với số lượng lớn, Salmonella gây ngộ độc sau thời kỳ ủ bệnh từ 12-24 giờ, với các triệu chứng đặc hiệu như đau bụng, tiêu chảy, toàn thân bị lạnh sốt, nôn và suy nhược cơ thể. Nếu sức đề kháng của người bệnh quá yếu, lại không được cấp cứu kịp thời thì có thể bị tử vong.

2. Ăn trứng khi thể trạng yếu hoặc đang mang bệnh

Theo TS Nguyễn Thành Hưng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) mặc dù trứng gà là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nếu chế biến và ăn không đúng cách, nó sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nhất là với những người đang có bệnh, việc ăn trứng có thể gây trúng độc hoặc làm bệnh biến chứng nặng hơn. Người đang cảm sốt hoặc vừa khỏi bệnh mà ăn trứng gà thì nhiệt lượng cơ thể sẽ tăng lên nhưng lại không phát tán ra ngoài được, giống như “thêm dầu vào lửa”, bệnh càng nặng hơn. 

Với người vừa khỏi bệnh, sức đề kháng của cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn nên cũng cần tránh ăn trứng tươi, luộc vừa chín tới... vì có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Hoặc khi bị tiêu chảy, việc chuyển hóa các chất mỡ, đạm (có nhiều trong trứng gà) và đường bị rối loạn, trong khi trứng gà không dễ tiêu. Nếu không để đường ruột nghỉ ngơi, không những bạn làm mất tác dụng bồi bổ mà còn làm cho bệnh nặng thêm. Hoặc khi bị sỏi mật, nếu dùng thức ăn có nhiều chất đạm như trứng gà, đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, bắt túi mật đang bị bệnh phải làm việc quá tải, gây đau đớn, nôn mửa...

3. Ăn trứng quá nhiều

Trứng rất giàu hàm lượng protein, nếu ăn quá nhiều khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể gặp trục trặc do thận phải làm việc quá tải. Các chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng trên thế giới khuyến cáo rằng, protein trong trứng không được phân giải hết dễ sinh ra những độc chất như amine, phenyl hydrad gây nguy hại cho sức khỏe. Ngoài ra, trong trứng có chứa một hàm lượng lớn cholesterol nên những người thể trạng yếu mà ăn nhiều trứng trong một thời gian dài có thể dẫn đến xơ hóa động mạch, huyết áp cao, tiêu chảy, nổi mụn…

Nghiên cứu của giáo sư David Spence tại Đại học Western University (Canada) và các cộng sự cho thấy, ăn lòng đỏ trứng thường xuyên sẽ tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và bệnh mạch vành gần bằng với thói quen hút thuốc lá.

4. Ăn trứng ung

Trứng ung là loại trứng đưa vào ấp nhưng không nở thành con do không được thụ tinh hoặc là bị hỏng trong quá trình ấp do ảnh hưởng của nhiệt độ, môi trường. Do vậy, protein trong lòng đỏ trứng đã bị biến chất, có độc vì lưu huỳnh trong trứng đã biến thành sulfur hidrogen (mùi trứng thối). Khi trứng bị ung thì không còn chất dinh dưỡng nữa vì protein đã bị tiêu hủy. 

Bên cạnh đó, vỏ trứng không còn tác dụng bảo vệ nên có nhiều vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong trứng, bao gồm cả các ký sinh trùng và vi khuẩn thương hàn, sinh ra nhiều độc tố rất nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, người ăn trứng ung có thể bị chướng bụng, khó tiêu, nôn mửa, đau bụng đi ngoài, trường hợp nặng có thể gây ngộ độc nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế, đã có nhiều người thường xuyên ăn trứng ung mà không bị ngộ độc nhưng về mặt khoa học, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyên người dân không nên sử dụng trứng ung, vì đây không phải là thực phẩm an toàn.

“Trứng bình thường, nếu ăn sống cũng không tốt, vì trong lòng trắng trứng có một chất ức chế hấp thu biotin, nếu ăn trứng sống nhiều sẽ làm cơ thể thiếu hụt biotin. Việc thiếu hụt biotin là một rối loạn dinh dưỡng hiếm gặp nhưng có thể trở nên nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong

Người khỏe mạnh có thể ăn 1 – 2 quả mỗi ngày. Nếu trứng gà không bị nhiễm khuẩn (trứng ung, trứng thối), không phải trứng giả, trứng tẩy hóa chất… thì ăn trứng rất tốt cho sức khỏe”.    

Theo afamily.vn

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay