Mộc nhĩ không chỉ giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mà còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu...
Canxi là một trong những loại chất khoáng cần thiết nhất nhưng lại dễ thiếu nhất của cơ thể. Trong bữa ăn của con người lượng canxi thường không đủ, hơn nữa, các nhân tố ức chế sự hấp thu canxi và thúc đẩy sự bài tiết canxi lại tương đối nhiều, vì thế tình trạng thiếu canxi trong cơ thể rất dễ xảy ra và dẫn đến các bệnh lý như còi xương, loãng xương.
Để khắc phục tình trạng này dùng: Mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng mỗi thứ 15g nấu nhừ, thêm 10g đường phèn, ăn nóng điểm tâm hoặc tráng miệng như một loại chè. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cả hai loại mộc nhĩ này đều chứa nhiều canxi, trong mỗi 100g mộc nhĩ đen có tới 397mg canxi và mỗi 100g mộc nhĩ trắng có tới 380mg canxi, cao hơn hẳn so với đậu tương và đậu xanh.
Trong y học cổ truyền, mộc nhĩ đen còn gọi là vân nhĩ, thụ kê, mộc nhu, mộc khuẩn... Mộc nhĩ đen có chứa nhiều protid, chất khoáng và vitamin. Trong 100g khô có 10,6g protit, 0,2g lipit, 65,5g gluxit, nhiều nguyên tố vi lượng như Ca, P... đặc biệt là hàm lượng Fe rất cao so với nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt khác như rau cần, vừng, gan lợn...
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng lương huyết chỉ huyết, ích khí dưỡng huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, mộc nhĩ đen có khả năng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch, ngăn cản sự hình thành các mảng vữa xơ trong lòng huyết quản.
Ngoài ra, loại thực phẩm này còn có tác dụng chống lão hoá, chống ung thư và phóng xạ. Bởi vậy, mộc nhĩ đen là thực phẩm lý tưởng cho những người bị cao huyết áp, vữa xơ động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng động mạch vành và ung thư.
Mộc nhĩ trắng còn được gọi là ngân nhĩ, bạch mộc nhĩ, nấm bạc, bạch nhĩ tử... cũng là một loại nấm khá giàu chất dinh dưỡng. Trong 100g ngân nhĩ có chứa 6,7 - 10g protit, 0,6 - 1,28g lipit, 64,9 - 71,2g gluxit, nhiều nguyên tố vi lượng như Ca, P, Mg, S, K, Fe, Na... và các vitamin B1, B2... Theo dinh dưỡng học cổ truyền, ngân nhĩ vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, dưỡng nhan nhuận phu.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, loại nấm này có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, nâng cao năng lực tạo máu của tuỷ xương, cải thiện chức năng của gan và thận, thúc đẩy quá trình tổng hợp protit trong gan, làm giảm cholesterol máu, chống phù và chống phóng xạ. Bởi vậy, ngân nhĩ là thực phẩm rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, bị các bệnh lý đường hô hấp, cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não...
Theo Kiến Thức