Rau ngót được cho là loại rau lành tính sử dụng cho phụ nữ sau sinh, trẻ nhỏ, tuy nhiên, gần đây Cục Bảo vệ thực vật cho biết qua kiểm tra tại một số chợ phát hiện nhiều mẫu rau ngót nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép gây nguy hại sức khỏe.
Kết quả kiểm tra, phân tích 25 mẫu rau ngót được Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) lấy tại các chợ trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 7/25 mẫu nhiễm thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép.
Mặc dù số mẫu lấy chưa đủ nhiều, chưa đủ tính đại diện cho toàn bộ tình hình sản xuất rau xanh, trong đó có rau ngót, song, việc lấy mẫu ngẫu nhiên và cho ra kết quả trên không khỏi khiến người tiêu dùng lo lắng về nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc sử dụng các loại rau có chứa dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính, dẫn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh… Nếu ăn sống càng nguy hại tới sức khỏe hơn. Vậy làm thế nào để phân biệt được rau ngót lành,không độc?
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mùa rau ngót bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Để lựa chọn rau an toàn, bạn nên tránh những bó rau ngót có lá quá non, to, mỏng. Hãy chọn những bó lá dày vừa phải, sẫm màu.
Tác dụng của rau ngót
Trong các loại rau, rau ngót là loại có nhiều chất bổ. Theo Đông y, lá và rễ đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc, cầm máu, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rau ngót là thang thuốc vừa chữa bệnh vừa bồi bổ, vừa nâng đỡ chính khí vừa trừ tà khí, tăng sức đề kháng của cơ thể…
Ngoài nhiều vitamin và khoáng, rau ngót rất giàu đạm nên nó được khuyên dùng thay thế đạm động vật nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Nó rất tốt cho người cần giảm cân hay đường huyết cao.
Đồng thời, rau ngót là một loại thực vật hiếm hoi chứa vitamin K, một chất giúp giảm nguy cơ gãy xương ở người già. Nó cũng có nhiều papaverin – chất mà từ trước chỉ tìm thấy trong cây thuốc phiện, giúp giảm cơn đau phủ tạng, hạ huyết áp và gây cương cứng dương vật
Lá rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc... Rễ rau ngót có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp.
Theo kinh nghiệm dân gian, con người thường dùng rau ngót chữa sót nhau thai (cho các sản phụ sau đẻ). Ngoài ra, rau ngót còn chữa trẻ bị tưa lưỡi bằng cách giã nát lá rau ngót tươi sạch, vắt lấy nước hoà với mật ong thấm vào bông hoặc miếng gạc sạch chà lên lưỡi, lợi và vòm họng trẻ, chỉ hai lần là trẻ có thể bú lại được bình thường. Rau ngót còn có tác dụng chữa đau mắt đỏ.
Theo VNmedia