Muối, hay natriclorua (NaCl) có lẽ là chất mà loài người không thể thiếu trong thức ăn hàng ngày, thậm chí đối với nhiều người, có thể thiếu thịt chứ không thể thiếu... muối trong bữa ăn. Ăn quá nhiều muối đã được chứng minh là có hại đối với tim mạch và huyết áp nhưng ăn nhạt quá dẫn đến thiếu muối thì cũng nguy hiểm không kém.
Vai trò của muối trong cơ thể
Trong cơ thể, muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu. Ngoài ra, muối còn có vai trò trong việc duy trì điện thế tế bào, dẫn truyền xung động thần kinh, đảm bảo thăng bằng kiềm toan. Điều hòa natri trong cơ thể do hormon vỏ thượng thận aldosteron (tái hấp thu Na+ và thải K+, H+ qua ống thận) và hormon vasopressin (hay ADH, hormon chống bài niệu) của tuyến hậu yên. Natri máu bình thường là 135 - 145 mEq/l. Muối trong máu giảm khi lượng natri máu dưới 135mEq/l.
Ăn quá ít muối khiến lượng natri máu giảm gây hiện tượng phù tay, chân do nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ.
Một chế độ ăn ít muối là khi lượng thức ăn, nước uống trong 24 giờ đưa vào cơ thể có tổng lượng NaCl dưới 2.400mg (tương đương với khoảng 1 thìa cà phê). Cơ thể cần một lượng muối tối thiểu là 500mg/ngày với điều kiện là muối không bị mất đi qua nước tiểu, mồ hôi hoặc các loại dịch khác.
Đối với những người ăn kiêng muối quá mức, lượng natri máu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu lượng natri máu xuống quá thấp.
Ảnh hưởng của hạ natri máu
Cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng khi natri máu hạ quá mức bình thường đó là não bộ. Lượng natri thấp làm cho nhu mô não bị phù (phù não) gây nên các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mất tập trung, nôn mửa, rối loạn ý thức và nặng hơn: co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện nặng nề nếu hạ natri nhanh và đột ngột.
Khi natri máu giảm, áp lực thẩm thấu trong lòng mạch máu bị giảm dẫn đến huyết áp thấp hoặc tụt. Khi huyết áp tụt sẽ làm các cơ quan quan trọng của cơ thể như tim, não, thận, gan, hệ cơ... bị thiếu ôxy và các chất dinh dưỡng từ đó làm cho cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.
Natri máu giảm cũng làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù tay, chân hoặc nặng hơn: phù toàn thân.
Hạ natri máu khiến hệ cơ bị suy giảm chức năng. Các biểu hiện bao gồm mỏi cơ, liệt cơ, kiến bò, chuột rút.
Như vậy, trong một số bệnh như tăng huyết áp, suy tim, suy thận, bệnh nhân được khuyến cáo ăn nhạt. Tuy nhiên, nếu ăn nhạt quá mức, kéo dài quá lâu có thể làm lượng muối trong cơ thể bị giảm sút và dẫn tới những hậu quả khôn lường. Việc điều chỉnh chế độ ăn sao cho không quá thừa hoặc ngược lại, quá thiếu natri máu là một việc làm cần thiết đối với những người đang phải duy trì chế độ ăn nhạt.
Điều trị thế nào?
Khi các triệu chứng nói trên xuất hiện ở những người đang ăn kiêng muối, việc đầu tiên là phải làm xét nghiệm xem lượng natri máu có bị giảm hay không. Nếu bị giảm, việc điều trị đơn giản là bù cho đủ lượng muối còn thiếu. Nếu nhẹ, có thể cho bệnh nhân ăn tăng lượng muối hơn bình thường. Nếu nặng, có thể sẽ phải bù muối bằng đường truyền tĩnh mạch và đương nhiên chỉ có thể thực hiện được tại các cơ sở y tế chuyên sâu. Việc bù muối cũng không được quá nhanh vì nếu bù ồ ạt có thể gây thêm tổn thương cho não bộ.
Theo SKDS