Trong những ngày thời tiết nóng bức, hoặc khi mặc quá nhiều quần áo, ăn uống vội vàng, vận động quá mạnh,... da tiết nhiều mồ hôi, thì đó là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu như ngay trong lúc ngồi yên và nhiệt độ không khí bình thường, mà mồ hôi vẫn tiết xuất một cách dị thường, thì đó là hiện tượng bệnh lý, trong Đông y gọi là “hãn chứng”.
Canh trai, hến nấu hẹ chữa mồ hôi trộm.
“Hãn chứng” thường được chia ra 4 loại chính: Ra mồ hôi lúc nằm ngủ, thức dậy thì hết, gọi là “đạo hãn” (dân gian gọi là “mồ hôi trộm”); Ra mồ hôi lúc thức, không phải do lao động nặng nhọc hoặc thời tiết nóng, gọi là “tự hãn” (tự ra mồ hôi); Ra mồ hôi ở một khu vực nhất định gọi là “cục bộ hãn”, trong đó “ngũ tâm hãn xuất” - mồ hôi nhiều ở bàn chân bàn tay và trước ngực hay gặp nhất.
Theo Đông y, nguyên nhân dẫn đến “hãn chứng” chủ yếu do “âm hư” hoặc “dương hư”.
Do“âm hư”:Mồ hôi vã ra khi nằm ngủ (đạo hãn). Sắc mặt thường bừng đỏ từng hồi - nhất là hai gò má; chất lưỡi đỏ ít rêu; họng khô rát hoặc ho khan ít đờm; lòng bàn chân bàn tay và trước ngực thường hâm hấp nóng, hay sốt nhẹ về chiều.
Do “dương hư”: Mồ hôi tiết ra chủ yếu về ban ngày, lúc thức, nhưng đôi khi cả khi nằm ngủ. Kèm theo các triệu chứng như: sắc diện không tươi hoặc trắng nhợt, ... Người “dương hư” còn chịu lạnh kém và có 2 đặc điểm nổi bật là: Đầu ngón chân thường hơi lạnh, chỉ vận động một chút là mồ hôi vã ra đầm đìa.
Một số món ăn, bài thuốc chữa chứng vã mồ hôi
Nước sắc lá dâu non: Dùng lá dâu non một nắm con (khoảng 20g), phơi trong bóng mát, sắc lấy nước, uống thay nước trong ngày. Hoặc cũng có thể thái nhỏ lá dâu, nấu với thức ăn làm món canh ăn trong bữa cơm. Tác dụng: Chữa “mồ hôi trộm” do “âm hư”.
Thịt trai hầm với hẹ: Dùng thịt trai (hoặc thịt hến, thịt hàu) 30g, rau hẹ 60g. Thịt trai ngâm nước ấm một lúc, cho hẹ đã cắt ngắn vào, hầm chín, ăn trong các bữa cơm. Tác dụng: Tư âm tráng dương, dùng chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu.
Canh lươn: Lươn 150-200g. Dùng nước nóng rửa lươn cho hết nhớt; mổ bụng bỏ nội tạng, thái nhỏ, rán với chút dầu ăn hoặc mỡ cho vàng thẫm; thêm nước vào nấu canh ăn mỗi ngày 1 lần, liên tục 3 ngày. Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do “âm hư”.
Nước sắc táo tàu rễ lúa nếp: Dùng rễ lúa nếp 30-60g, táo tàu 6-7 quả; sắc nước uống trong ngày. Tác dụng: Chữa cả “tự hãn” do Dương hư và “đạo hãn” do Âm hư.
Thuốc đắp trên rốn: Ngũ bội tử nghiền thành bột mịn. Hàng ngày, lấy khoảng một thìa bột thuốc, trộn với nước trắng hoặc mật ong thành một thứ bột mềm, đắp kín rốn rồi dùng băng dính cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc một lần. “Ngũ bội tử” là vị thuốc khai thác từ “cây muối”, một loài cây nhỡ, rất phổ biến ở các miền đồi núi nước ta. Ở miền xuôi và thành phố, có thể mua ngũ bội tử với giá rất rẻ, tại hầu hết các cửa hàng Đông dược.
Theo SKDS