Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Thực phẩm chức năng được quảng cáo quá nhiều công dụng

 Trên  nhãn hay tờ quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) có ghi hàng chục công dụng. Điều này khiến người bệnh băn khoăn: không biết nên hiểu và dùng như thế nào?

Các quy định khác nhau giữa thuốc và thực phẩm chức  năng
 
Về thuốc: chỉ sau khi thẩm định thấy nhà sản xuất (NSX) đã có các thử nghiệm chuẩn chứng minh sản phẩm có hiệu lực, an toàn thì cơ quan quản lý dược quốc gia  (CQQLDQG) mới cấp phép lưu hành. Tờ thông tin kèm theo, nhãn sản phẩm, quảng cáo không được trái với kết quả được thẩm định (không ghi thêm công dụng, không dấu bớt tác dụng phụ).
 
Làm trái sẽ bị phạt. Nếu việc làm trái gây tổn thất cho người bệnh, phải bồi thường. Chỉ thuốc không kê đơn (OTC) mới được quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng. Các thuốc còn lại chỉ được giới thiệu với thầy thuốc qua tờ thông tin hay hội thảo.
 
Về TPCN: cơ quan quản lý thực phẩm quốc gia (CQQLTPQG) chỉ yêu cầu sản phẩm  đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn công thức, các tiêu chuẩn sản phẩm khác đều do NSX tự công bố, đăng ký với CQQLTPQG và có nghĩa vụ  làm đúng với  những điều đã công bố, đăng ký. Riêng về mặt công dụng, CQQLTPQG không bắt buộc NSX phải thử chứng minh hiệu quả lâm sàng. Như vậy, giấy phép cho lưu hành TPCN chỉ công nhận sản phẩm đó đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đã có công bố, đăng ký công thức, tiêu
 
chuẩn; chứ không có ý nghĩa công nhận mọi công dụng ghi trong tờ thông tin, nhãn sản phẩm là đúng. Mọi TPCN đều được phép quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng. CQQLTPQG có xem xét tờ quảng cáo, cho số tiếp nhận đăng ký, chứ  không làm thủ tục duyệt.
 
Những quy định quản lý khác nhau này đưa đến các cách ghi khác nhau  trên nhãn, tờ thông tin quảng cáo của hai dạng sản phẩm này. 

Điều  lưu ý khi đọc nhãn, nghe quảng cáo thực phẩm chức năng
 
Nhãn, tờ thông tin quảng cáo TPCN  có ghi hai loại công dụng, cần phân biệt:
 
Công dụng có lợi cho sức khỏe (health claim) mà TPCN chắc chắn có được. Thí dụ: y học hiện đại (YHHĐ) có thuốc bổ sung canxi vitamin D giúp trẻ đạt chiểu cao, phát triển tốt thể chất, tinh thần. TPCN Medil-D làm từ vỏ hàu có chứa canxi, vitamin D nên nhãn ghi công dụng hỗ trợ cho trẻ như YHHĐ đã ghi. Đó là các công dụng chắc chắn có. Cố nhiên, dưới dạng TPCN hoạt chất có thể khó phóng thích, hấp thu, phân phối, khó đạt được nồng độ xác định để có tính chữa  bệnh, nên không thể coi là thuốc không thể dùng hay thay thế thuốc.  
 
Công dụng suy ra từ cấu trúc chức năng (sructure /function claim) mà TPCN có tiềm năng nhưng chưa chắc chắn có được. Thí dụ: nguyên lý chung là chất chống gốc tự do thì chống lại quá trình oxy hóa, ngăn ngừa sự biến dị DNA nên có tiềm năng chống lão hóa, làm chậm sự xuất hiện, chống  sự phát triển ung thư. Tuy nhiên, YHHĐ đã nghiên cứu các chất chống gốc tự do và thấy không phải chất nào cũng có hai công dụng này. Thí dụ: selen là chất chống gốc tự do và YHHĐ đã đưa vào công thức thuốc chống lão hóa (bao gồm vitamin C, E, betacaroten, selen). Tuy nhiên, selen được nghiên cứu rất kỹ từ năm 1974 đến nay vẫn không cho kết quả thống nhất và chưa thấy có vai trò phòng chống ung thư. Một nghiên cứu mới nhất trên 60.000 người thấy không có một sự tương quan đáng kể, có ý nghĩa thống kê nào giữa mức tiêu thụ selen và tỉ lệ mắc ung thư. Một số TPCN có chứa selen (tảo xoắn Spirulina- Selen Blubio, Vitamin - selen) ghi công dụng hỗ trợ phòng chống ung thư là ghi một lợi ích được suy ra từ cấu trúc chức năng  nhưng sự thực không chắc chắn có được. 
 
Một số NSX suy diễn quá đà, gắn cho TPCN công dụng toàn năng. Căn cứ vào một vài flavonid có trong quả nhàu, căn cứ thổ nhưỡng đảo Tahiti (đất bazan do có động đất), NSX gắn thêm cho quả nhàu chứa mấy chục yếu tố vi lượng không khác gì thành phần thổ nhưỡng; rồi từ đó trong tập giới thiệu dài tới 7 trang lại gắn cho nước ép Noni từ quả nhàu chữa đến 32 loại bệnh(?) .Thông tin nghiên cứu mới nhất  cũng chỉ  cho biết  cây lô hội có chứa nhựa Aloes, thành phần có anthraquion, một số vi lượng ( kẽm, magie, crom, mangan). Thế nhưng trong tập giới thiệu dài 20 trang, của tập đoàn  FLP (Forever Living Products) có đến mấy chục sản phẩm với mấy chục công dụng. Theo tài liệu của trường Đại học Berkley (1998) nơi nghiên cứu về cây nhàu, nước ép Noni không có nhiều công dụng như NSX quảng cáo. Nước Pháp  hiện vẫn có mấy chục biệt dược chứa Aloes, nhưng các biệt dược này cũng chỉ ghi một công dụng là  nhuận tràng. Những suy diễn quá đà, lúc đầu đem lại lợi ích cho NSX, nhưng sau đó gây hiệu ứng ngược làm cho người tiêu dùng băn khoăn, nghi ngờ.
 
Thanh tra Bộ Y tế, năm vừa qua, tổng kết từ các nơi đã thanh tra thấy có trên 50%  TPCN giới thiệu công dụng sản phẩm quá mức.
 
Nhà sản xuất  không mấy khi đề cập đến các hạn chế của thực phẩm chức năng
 
TPCN theo định nghĩa là loại thực phẩm được bổ sung hoạt chất chức năng có lợi  cho sức khỏe, theo quy ước chỉ đưa vào các hoạt chất chức năng với hàm lượng vừa đủ để bù
đắp lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, trong quá tình phát triển TPCN đã nảy sinh một số vấn đề:
 
Thứ nhất, các NSX đưa hoạt chất chức năng vào TPCN  với hàm lượng  cao hơn nhiều so với quy ước. Với hàm lượng cao như vậy mà lại không ghi liều dùng thì nếu dùng nhiều có thể sẽ xảy ra độc do quá liều. Canxi, vitmin D có lợi cho việc tạo xương, có lợi cho việc phát triển thể chất tinh thần của trẻ nhưng khi dùng TPCN chứa các chất này với hàm lượng cao và /hoặc kéo dài thì sẽ phát sinh hiện tượng thừa canxi máu có hại.
 
Thứ hai, các NSX đưa vào TPCN những chất đã biết “có lợi” nhưng cũng biết  “có hại” như selen. Lẽ dĩ nhiên khi dùng những TPCN này ta phải chú ý đến hàm lượng các chất “vừa có lợi vừa có hại” này để chỉ dùng với liều có lợi.
 
Thứ ba, các nhà sản xuất đưa vào TPCN các chất kích thích tạo ra hoóc-môn , song không điều chỉnh và nắm chắc được mức sinh ra các hoóc-môn này nên nếu người dùng có khả năng  đáp ứng nhiều hoặc dùng liều cao kéo dài thì sẽ sinh ra  hoóc-môn quá mức, có thể gây hại.
 
Thứ tư, các NSX đưa vào TPCN những chất có tính năng sinh học chống oxy hóa, chống miễn dịch nhưng không nắm rõ nhu cầu chính xác lúc nào cơ thể thiếu các chất này cần bổ sung và bổ sung bao lâu thì ngừng, do đó thường không đưa ra một hướng dẫn dùng chắc chắn.
 
Thứ năm, về sau này, các NSX chế tạo ra loại TPCN không có yếu tố thực phẩm mà chỉ bằng các nguyên liệu dùng làm thuốc. Việc dùng các sản phẩm này hẳn phải cẩn thận như dùng thuốc nếu dùng không đúng chỉ định (dùng cho những trường hợp cần phải kiêng), dùng không đúng liều, kéo dài quá mức rất có thể có hại.
 
Thứ sáu, ngay các nguyên liệu giàu hoạt chất chức năng dù NSX không  không bổ sung thêm một chất gì thì cũng có thể gây hại nếu ta dùng liều cao và kéo dài. Thí dụ: rong, tảo biển chứa nhiều chất đạm dùng rất tốt cho việc bồi dưỡng sức khỏe chung, nhưng rong, tảo biển lại chứa nhiều iod nếu dùng nhiều và kéo dài thì có thể bị các triệu chứng cường giáp.
 
Thứ  bảy, gần đây trên thị trường có loại TPCN nano. Chưa có một tài liệu nào chứng minh dạng TPCN nano là vô hại và cũng chưa có cách nào quản lý hữu hiệu.
Mới đây một số nghiên cứu cho biết TPCN gây ảnh hưởng không lợi đến tuyến giáp.
 
Guggulu (nhựa dẻo của cây Commiphora mukul) làm tăng tỉ số hoóc-môn tuyến giáp  T3/T4 và kích thích chức năng tuyến giáp của chuột cái (T4= thyroxin; T3= triodo thyroxin). Chiết xuất của cây lô hội (Aloe vera) có thể làm giảm nhẹ nồng độ T4 và T3 ở  chuột  đực. Những chiết xuất từ  tuyến giáp động vật tuy nay không còn dùng  điều trị suy  tuyến giáp nữa, nhưng vẫn còn được bán không cần đơn trong các cửa hàng thực phẩm dinh dưỡng ở nước ngoài, rao bán trên mạng internet. Chiết xuất này có chứa hoóc-môn tuyến giáp (T4, T3) đôi khi hàm lượng T3 lại lớn hơn hàm lượng  T3  tiết ra hàng ngày ở người bình thường. Không nên dùng các sản phẩm tuyến giáp không rõ nguồn gốc, mua bán không cần đơn mà không có chứng minh đầy đủ hiệu quả, tính an toàn (theo Endocrinol Metab 2012; 7:247-249  Expert  Reviews. Ltd).
 
Những nghiên cứu về mặt trái của TPCN mới bắt đầu, còn quá ít nhưng cũng bước đầu cho thấy chúng không phải là toàn bích, mà cũng có những tác hại tiềm ẩn.
 
Mấy lời kết
 
 Nước ta, theo ước tính  năm 2012 đã có tới khoảng 5.000 loại TPCN  lưu hành chính thức theo giấy phép của Bộ Y tế, trong khi 10 năm trước con số này mới chỉ là 50. Hiện có nhiều công ty trong nước là thành viên của các tập đoàn sản xuất và kinh doanh TPCN lớn trên thế giới, đồng thời cũng có rất nhiều công ty sản xuất kinh doanh vừa là  thuốc, vừa là TPCN. Hầu hết các nhà thuốc đều có bán lẻ TPCN.
 
TPCN là sản phẩm thiên nhiên, thân thiện với môi trường và con người, ít gây nguy cơ độc hại như dùng hóa chất. Dùng TPCN để tăng cường sức khỏe, hỗ trợ cho việc phòng chữa bệnh  là khuynh hướng tiêu dùng tích cực, được đông đảo người ủng hộ. Tuy nhiên, do chưa có đầy đủ các biện pháp quản lý nên trong quá trình phát triển TPCN đã nảy sinh một số mặt chưa lành mạnh mà tập trung nhất là quảng cáo quá đà. Người dùng cần lưu ý đến điều này khi tìm hiểu và dùng TPCN.
 
Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay