Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Thuốc chữa bệnh chàm

Chàm là bệnh ở da thường xảy ra với trẻ em, song thực tế tỷ lệ người lớn mắc chàm cũng gia tăng nhanh. Do liên quan đến yếu tố cơ địa, thời tiết và các chất tiếp xúc... nên chàm là bệnh rất khó chữa. Việc chọn không đúng thuốc và dùng không đúng cách sẽ làm bệnh nặng thêm hoặc không khỏi được.

Chàm được biết đến là căn bệnh viêm da dị ứng và đặc điểm của nó là viêm và nổi mụn nhỏ, ngứa ngáy và loét. Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa rõ nhưng có thể do cơ địa dị ứng (người mắc hen, viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao mắc chàm), do kích thích của hóa chất như nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (chàm tiếp xúc). Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh chàm. Thời tiết lạnh, stress, đổ mồ hôi nhiều và phấn hoa... cũng là những nguyên nhân có thể khiến da bị chàm.

Chàm được phân ra làm nhiều loại như:

Viêm da dị ứng: Thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền. Triệu chứng hay gặp là ngứa ở mặt trong khuỷu tay, bụng chân, mặt. Chỗ bị ngứa có nhiều mụn nhỏ màu đỏ vỡ ra và chảy nước. Ngoài ra, da vùng này đóng vẩy và tróc ra.

Chàm ở tay: Gây ra bởi sự kích thích của hóa chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su... hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là nổi mụn nước và ngứa, da đóng vẩy và tróc vẩy ra. Bệnh thường hết khi không còn tiếp xúc với hóa chất.

Cần tìm ra nguyên nhân mắc bệnh chàm để dùng thuốc hiệu quả.

Chàm đồng tiền: Vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn. Chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vẩy từng mảng.

Chàm thể tạng: Hay gặp ở những người có cơ địa giãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù.

Dùng thuốc như thế nào?

Do bệnh thường kéo dài dai dẳng khó điều trị dứt hẳn nên việc điều trị sẽ kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc. Có thể chia thuốc chữa chàm thành hai loại: thuốc dùng ngoài và thuốc uống.

Các thuốc dùng ngoài: Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cho phù hợp.

Hồ nước: Dùng trong giai đoạn đầu, da mới đỏ, chảy nước ít, có tác dụng làm dịu da, đỡ ngứa.

Dung dịch: Thường dùng dung dịch Jarish, thuốc tím 0,001%; vioform 1%. Dùng trong giai đoạn chàm bán cấp. Dùng gạc nhúng vào dung dịch, đắp nhiều lần lên nơi thương tổn.

Thuốc mỡ: Chủ yếu dùng trong giai đoạn chàm mạn tính. Việc dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp tính đề phòng sẽ gây phản ứng mạnh. Các kháng sinh dạng thuốc mỡ như cream synalar-neomycin, cream celestoderm-neomycin, bôi khi có nhiễm khuẩn. Các thuốc mỡ chứa corticoid sử dụng để bôi trên tổn thương chàm khô, không nên dùng để bôi trong các trường hợp chàm nhiễm khuẩn. Không nên bôi quá nhiều (diện tích rộng) vì có thể gây biến chứng do tác dụng phụ của thuốc. Trường hợp mạn tính phải dùng khá lâu dài (có thể từ 12-15 tuần). Nếu dùng lâu dài, corticoid có thể gây tai biến ở da.

Thuốc uống:

Thuốc chống ngứa: Để chống ngứa, nên dùng một trong các thuốc chống dị ứng như sirô phenergan, sirô théralene, chlorpheniramin, cetirizine...

Thuốc chống bội nhiễm: Tùy theo tình trạng bội nhiễm, bác sĩ sẽ chọn lựa kháng sinh thích hợp. Trong trường hợp chàm có viêm da mủ, cần điều trị chống bội nhiễm bằng cách cho uống kháng sinh (amoxicilin, cephalosporin...).

Sử dụng thuốc cho bé bị chàm sữa

Bệnh chàm rất hay gặp ở trẻ em, còn gọi là chàm sữa, qua tuổi dậy thì, nhiều trường hợp bệnh sẽ tự khỏi. Việc dùng thuốc chữa bệnh chàm ở trẻ có những  lưu ý riêng vì da bé rất non nớt. Khi tổn thương đang nổi đỏ hoặc chảy dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch mang tính sát khuẩn nhẹ như: thuốc tím 0,001%, hồ nước... Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem chứa corticoid nồng độ thấp trong thời gian ngắn (7-10 ngày). Trường hợp tổn thương da khô, dày sừng nhiều thì có thể dùng các loại thuốc mỡ chứa corticoid hoặc phối hợp chất tiêu sừng như salicylic acid. Không được dùng các dung dịch có acid boric cho trẻ em.

Lưu ý: Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc. Tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ, cũng không nên đắp lá, thuốc theo dân gian vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Thực tế, đã có một số bà mẹ tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi nhiều loại, trong đó có corticoid và dùng dài ngày, khiến trẻ dễ gặp tác dụng phụ như bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da. Ngoài ra, corticoid còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm khuẩn. Nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây suy yếu tuyến thượng thận...

Các biện pháp phòng ngừa

Để điều trị bệnh chàm hiệu quả, người bệnh cần đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh như: người bệnh cần uống nhiều nước mỗi ngày, có thể thay nước lọc bằng các loại trà thanh nhiệt (actiso, hoa hòe, hoa cúc,...), nước ép trái cây tươi chứa nhiều vitamin để giải độc cơ thể, bài trừ độc tố, nâng cao sức đề kháng, ăn thức ăn lỏng nhẹ. Tránh dùng rượu, bia, thuốc lá, cà phê, hải sản, đồ hộp, thức ăn sống, lên men, các thức ăn chế biến có nhiều gia vị cay nóng. Giữ vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị bệnh. Tránh cọ xát, gãi, xát xà phòng vì nó sẽ làm vùng da bị bội nhiễm, tạo nên những tổn thương khó lành. Người mắc bệnh chàm nên tránh tiếp xúc với các nguyên nhân gây dị ứng, dễ làm bệnh nặng thêm, nhưng có thể tắm bằng nước lá chè xanh, nước lá cau có pha chút muối loãng để làm dịu cơn ngứa giúp người bệnh dễ chịu hơn rất nhiều.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay