Nhóm thuốc bisphosphonat (BP) là những thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị loãng xương và phòng ngừa loãng xương
Vừa qua, tại bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM đã phát hiện 3 bệnh nhân bị hoại tử xương hàm do tác dụng phụ của nhóm thuốc bisphosphonat (BP).
Về nhóm thuốc Bisphosphonat
Nhóm thuốc BP (alendronat, etidronat, ibandronat, risedronat…) là những thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị loãng xương và phòng ngừa loãng xương ở các đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ sau mãn kinh, người sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài…
Loãng xương là một bệnh lý rất thường gặp ở người cao tuổi và phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Nếu loãng xương không được điều trị kịp thời sẽ gây ra gãy xương!
Ngoài ra, nhóm thuốc BP còn được sử dụng để điều trị một số bệnh lý (bệnh paget, di căn xương ở người bị ung thư vú, phổi, tiền liệt tuyến, bệnh tăng canxi huyết do ung thư…).
Cơ chế tác động của nhóm thuốc BP:
Bình thường ở xương, luôn diễn ra hoạt động song song của hai quá trình tạo xương và hủy xương. Khi lượng xương mất đi nhiều hơn lượng xương tạo ra, các mô xương bị suy yếu khiến xương giòn, dễ gãy, gọi là loãng xương.
Nhóm thuốc BP ngăn chặn hay làm chậm quá trình hủy xương và gia tăng sự tích lũy canxi của cơ thể lên xương, nên có tác dụng chống loãng xương.
Tác dụng phụ của nhóm thuốc BP
Nhóm thuốc: BP thường gây ra các tác dụng phụ:
- Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, ăn không tiêu, tiêu chảy…), đau bụng, viêm thực quản, viêm dạ dày… Những tác dụng phụ này thường xảy ra trong tháng đầu tiên điều trị nhưng sau này thường biến mất.
- Đau cơ hay khớp, có thể xảy ra một vài ngày hoặc một vài tháng sau khi điều trị. Cơn đau này thường biến mất sau khi ngừng sử dụng thuốc.
- Suy thận, hạ canxi huyết.
- Hoại tử xương hàm do xương hàm không được cung cấp đủ máu nên suy yếu và hoại tử. Đây là một tác dụng phụ tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, cần lập tức ngưng sử dụng thuốc khi có dấu hiệu hoại tử xương hàm!
Phòng tránh bằng cách nào?
Để phòng tránh các tác dụng phụ do nhóm thuốc BP gây ra, cần lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
- Phòng tránh kích ứng thực quản (khó nuốt, ợ nóng): nên uống thuốc vào buổi sáng sớm, bụng đói với một ly nước đầy; giữ tư thế đứng hay ngồi, tránh nằm sau khi uống thuốc khoảng 30 phút; tránh ăn, uống hay sử dụng thuốc khác ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc.
- Không sử dụng thuốc cho người suy thận nặng, bệnh lý ở thực quản, phụ nữ có thai hay đang cho con bú.
- Nên thường xuyên đi khám răng định kỳ để sớm phát hiện hoại tử xương hàm.
- Thận trọng khi sử dụng chung với nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (ibuprofen, diclophenac…) do làm gia tăng kích ứng thục quản, viêm loét dạ dày.
- Thời gian điều trị của nhóm thuốc BP thường kéo dài, người bệnh cần tuân theo chỉ định điều trị của thầy thuốc một cách chặt chẽ, tránh quên uống thuốc hay tự ý ngừng uống thuốc!
Theo SKDS