Số người béo phì trên thế giới có xu hướng ngày càng gia tăng. Có tài liệu nói Đức là nước có số người quá cân nhiều nhất châu Âu, khoảng 2/3 dân số ở tuổi trưởng thành nằm trong diện này. Chỉ riêng doanh số các sản phẩm dinh dưỡng liên quan đến giảm cân của toàn thế giới đã lên tới 100 tỷ euro/năm, chưa kể thuốc và các sản phẩm khác. Danh mục thuốc béo phì theo Vidal 2008 chia làm 2 loại:
- Kích thích trung ương có: diethylpropion, mazindol, phentermin, sibutramin. - Chất ức chế lifase dạ dày và tụy: orlistat. Gần đây, có một số ý kiến đề cập đến sibutramin, khi ngày 22/1/2010, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến cáo Ủy ban châu Âu (cơ quan hành pháp chung của châu Âu) thu hồi tất cả các loại thuốc có chứa chất này. Sibutramin được lưu hành ở châu Âu vào đầu những năm 2000, ở ta thuốc cũng đã được phép bán dưới nhiều tên thương mại: reductil (Hãng Abott), redumin (ranbaxy), slenfig (torrent), doroduc (domesco)... Cơ chế tác dụng của thuốc ức chế tái hấp thu senotonin và norepinephrin trong não, từ đó tạo ra cảm giác no nên không thèm ăn dẫn tới ăn ít nên sẽ giảm cân (kết hợp với chế độ vận động thích hợp). Thuốc được chỉ định (dạng sibutramin hydroclorid monohydrat): - Người béo phì do dinh dưỡng với chỉ số BMI từ 30kg/m2 trở lên. BMI (Body Mass Indese) = cân nặng cơ thể (kg) /Chiều cao x 2 (m) + Nếu <18,5: nhẹ cân. + 18,5 - 22,9: thể trọng bình thường. + 23 - 27,5: thừa cân. + > 27,5: béo phì. - Người ăn nhiều quá mức cần thiết và có chỉ số BMI từ 27 trở lên mà có các yếu tố nguy cơ liên quan đến béo phì như tiểu đường týp 2 hoặc rối loạn lipid máu. - Thuốc được đóng gói với hàm lượng: 10mg/viên hoặc 15mg/viên, dưới dạng viên nang đóng vỉ, 14 viên/vỉ. Liều dùng: Người lớn: 10mg/ngày, tối đa 15mg/ngày. Nếu không đáp ứng tốt nên ngừng điều trị như: giảm dưới 2kg sau 4 tuần hay giảm dưới 5% thể trọng ban đầu trong vòng 3 tháng từ khi điều trị hay lại tăng từ 3kg trở lên sau sự giảm cân ban đầu. Thời gian dùng nhiều nhất là 1 năm. Thuốc uống vào buổi sáng với nhiều nước, không nhai viên thuốc. Chống chỉ định: Quá mẫn với các thành phần của thuốc. Béo phì do các rối loạn trong cơ thể. Chán ăn, chứng ăn vô độ do thần kinh. Bệnh thần kinh, phụ nữ có thai hoặc nuôi con bú. Đang dùng thuốc tâm thần hoặc chống trầm cảm. Có tiền sử mắc bệnh tim mạch, cường giáp, suy gan hoặc suy thận nặng, bí tiểu do u lành tuyến tiền liệt, u tủy thượng thận. Nghiện ma túy, thuốc lá, rượu. Dưới 18 hoặc trên 45 tuổi. Huyết áp > 145/90mmHg trong 2 lần đo liên tiếp. Thận trọng: Động kinh hay co giật, suy nhẹ hay trung bình đối với gan thận. Nguy cơ glaucom, xuất huyết. Cần theo dõi huyết áp và nhịp tim do bệnh nhân khi điều trị bằng thuốc này. Phản ứng phụ: Táo bón, khô miệng, khó ngủ, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, giãn tĩnh mạch, nôn mửa, nhức đầu, hội chứng cúm, đổ mồ hôi, thay đổi vị giác. Phản ứng phụ thường xảy ra sớm trong 4 tuần đầu điều trị và mất dần theo thời gian. Có thể tương tác với: rifanficin, erythromycin, clarithromycin, ephedrin, pseudephedrin, xylometazin, ketoconazol, itraconazol, fentamyl, wafarin, dihydroergotamin, cyclosporin, deseametason, dopidogrel, flucoxetin, paroxatin, amityptilin. Qua một nghiên cứu theo dõi trong suốt 5 năm ở 9.805 người dùng thuốc này, nhận thấy có sự gia tăng nguy cơ tai biến tim mạch ở những người dùng thuốc so với nhóm đối chứng (dùng placebo) đặc biệt ở những người có sẵn nguy cơ tim mạch ở Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm cũng đã lưu tâm đến loại thuốc này và orlistat. Do thuốc có nhiều trường hợp chống chỉ định, lưu ý thận trọng khi dùng tương tác thuốc, tác dụng phụ nên thuốc phải được kê và bán theo đơn, không được tùy tiện sử dụng. Ở một số nước châu Âu, chỉ các thầy thuốc chuyên khoa nội tiết mới được chỉ định dùng thuốc lần đầu cho những người cần thiết đáp ứng điều kiện còn các bác sĩ khác không được phép kê đơn, trừ phi căn cứ theo chỉ định ban đầu của bác sĩ chuyên khoa. Cần lưu ý có một số thuốc từ dược thảo, hoặc thực phẩm chức năng giảm béo, có chứa sibutramin bất hợp pháp rất nguy hại cho người dùng.
Cần theo dõi huyết áp và nhịp tim khi dùng thuốc giảm béo sibutramin.
( Theo DS. Phạm Tiếp // Báo Sức khỏe đời sống Online )