rong suốt cuộc đời, hầu như ai cũng nhiều lần bị ho. Người ta có thể chủ động ho, nhưng trong đa số trường hợp, ho xảy ra ngoài ý muốn và động tác này có tính chất phản xạ. Nếu đờm được tạo ra, ho được gọi là ho có đờm; nếu không có đờm thì được gọi là ho khan.
Phần lớn các cơn ho có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn cần hỏi bác sĩ ngay khi cơn ho bị phát triển kéo dài, cơn ho là trầm trọng và đau, có ra máu hay ra đờm có màu khác lạ, đặc biệt ho đi kèm với các triệu chứng khác như đau ngực hay thở gấp. Với những trường hợp như vậy, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để điều trị hoặc đến cửa hàng thuốc hỏi ý kiến người bán thuốc để mua thuốc bởi vì làm như vậy bệnh không những không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm và gây nguy hiểm hơn cho người bệnh. Ví dụ một người bị ho do hen phế quản mà tự ý mua thuốc ho trong khi người bán thuốc chỉ vì mục đích bán được thuốc, không biết chống chỉ định khi dùng thuốc ho có dẫn chất của thuốc ức chế hô hấp thì cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh.
Một số thuốc ho như: codein, dextromethorphan, alimemazin... có tác dụng ức chế trực tiếp, làm nâng cao ngưỡng kích thích của trung tâm ho ở hành tủy, đồng thời có tác dụng an thần, ức chế nhẹ trung tâm hô hấp. Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho không có đờm (ho khi cảm cúm, ho do dị ứng...), ho nhiều làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ. Không dùng thuốc giảm ho trong trường hợp ho có đờm (trong bệnh viêm phế quản mạn, giãn phế quản...) vì ho được coi như cơ chế bảo vệ có lợi, làm sạch đường thở.
Còn với kháng sinh thì không phải người bệnh nào bị ho cũng dùng vì kháng sinh chỉ dùng khi biết chắc chắn là có nhiễm khuẩn. Nếu do virut thì không cần thiết dùng kháng sinh, trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn. Do vậy, người bệnh cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế để xác định nguyên nhân gây ho và phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Theo SKDS