Hiện nay, bệnh viêm mũi dị ứng (VMDƯ) ngày càng gặp nhiều, có người chỉ bị theo mùa, có người bị quanh năm. Việc điều trị VMDƯ khỏi vĩnh viễn là rất khó vì loại trừ hoàn toàn các dị nguyên khỏi môi trường là điều gần như không thể. Không có một công thức, phác đồ điều trị chung cho mọi người bệnh.
Nguyên nhân và triệu chứng
Cơ chế bệnh sinh là do sự quá mẫn cảm của niêm mạc mũi đối với các kích thích mà y học gọi là dị nguyên. Những dị nguyên hay gặp trong VMDƯ là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông súc vật, hóa chất... Bệnh hay xảy ra trên những cơ địa đặc biệt có tính chất di truyền và có đặc điểm là sự bấp bênh giữa thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Thường xuất hiện đột ngột từng cơn, hay gặp lúc sáng sớm khi thời tiết thay đổi: đột nhiên ngứa ở hai bên hốc mũi lan lên mắt, xuống họng; tiếp đó hắt hơi liên tục thành từng cơn, rồi chảy nhiều nước mũi, tắc mũi dữ dội cả hai bên. Các cơn nói trên xuất hiện nhiều lần trong ngày, thường kéo dài 3-5 ngày và chỉ mất đi khi các dị nguyên không còn nữa.
Điều trị VMDƯ - Thuốc nào?
Dùng thuốc chống ngạt mũi: Thường dùng naphazolin, xylometazolin... nhỏ hoặc xịt vào mũi 2 - 3 lần/ngày. Thuốc gây co mạch chống phù nề do đó hết nghẹt mũi, người bệnh dễ thở, cảm thấy dễ chịu ngay. Tuy nhiên, cần lưu ý không lạm dụng, chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn (thường không quá 7 ngày), vì dùng các loại này kéo dài dễ gây hiện tượng quen thuốc không có hiệu quả nữa, thậm chí còn gây “tác dụng dội ngược” làm nghẹt mũi nhiều hơn. Mặt khác, không những thuốc có tác dụng tại chỗ mà còn thấm qua niêm mạc vào máu gây tác dụng toàn thân, bởi vậy không nên dùng liều cao dài ngày, không dùng cho trẻ em dưới 7 tuổi.
Thuốc nhóm corticoid: Tuy có thể dùng viên corticoid uống có tác dụng toàn thân, nhưng nó có nhiều tác dụng phụ có hại. Bởi vậy, corticoid nên dùng dạng xịt vào mũi tốt hơn. Khi xịt, thuốc chủ yếu tác dụng tại chỗ, tuy có hấp thu vào máu nhưng với hàm lượng rất nhỏ, không gây tác dụng phụ như corticoid dùng uống. Nếu dùng, người bệnh nên xịt sớm khi bệnh còn nhẹ. Việc điều trị cần phải kéo dài một thời gian nhất định, thường một năm dùng một tháng thì bệnh gần như ổn định trong cả năm.
Thuốc kháng histamin: Các thuốc kháng histamin chống dị ứng là những thuốc có tác dụng bằng cơ chế tranh chấp với histamin ở thụ thể (receptor) H1 trong cơ thể đẩy histamin ra khỏi thụ thể H1 khiến cho biểu hiện lâm sàng của dị ứng không còn nữa.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc kháng histamin. Dựa vào tính chất, tác dụng dược lý và trình tự phát triển người ta chia ra các loại kháng histamin sau:
Các thuốc thế hệ 1(chlopheniramin, promethazin, hydroxyzin...): Tuy đã được dùng từ lâu nhưng có nhược điểm là phải dùng nhiều lần trong ngày gây khô miệng và buồn ngủ, nên hiện nay ít dùng.
Các thuốc thế hệ 2 (loratadin, cetirizin, terfenadin...): được ưa chuộng hơn thế hệ 1 nhưng cũng còn một số hạn chế như ảnh hưởng đến chức năng gan, có thể gây buồn ngủ nhẹ. Thậm chí có một loại thuốc (astemizol) đã bị loại khỏi thị trường vì có tác dụng phụ nguy hại đối với tim. Còn những thuốc khác vẫn đang được dùng.
Các thuốc thế hệ 3: Đó là fexofenadin chất chuyển hóa của terfenadin. Nó có tính chất tương tự các kháng histamin thế hệ 2 như loratadin... Hiệu quả điều trị VMDƯ của fexofenadin cũng tương tự như của terfenadin. Nhưng vì nó không chuyển hóa qua gan nhiều nên fexofenadin không tương tác với các thuốc được chuyển hóa. Vấn đề quan trọng hơn nữa là fexofenadin không tương tác với các kênh kali ở tim, do đó không có khuynh hướng như một số thuốc thế hệ 2 (nhất là astemizol) là làm tăng khoảng QT của tim, một tác dụng phụ có thể dẫn đến loạn nhịp tim nghiêm trọng. Fexofenadin có phạm vi an toàn rộng hơn đa số các thuốc kháng histamin đang dùng hiện nay. Tuy nhiên, fexofenadin cũng có chống chỉ định đối với trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bú.
Phòng bệnh
Để phòng ngừa VMDƯ, nhà cửa cần sạch sẽ càng ít bụi bặm, ẩm mốc càng tốt. Diệt bọ nhà, gián, chuột và không nuôi chó, mèo, chim... ở cùng phòng. Nên đeo khẩu trang khi quét nhà, lau cửa, chùi đồ đạc nhiều bụi hoặc dùng máy hút bụi.
Theo SKDS