Mùa xuân là mùa thuận lợi cho các bệnh dị ứng phát triển, trong đó có bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Bệnh này rất thường gặp ở nước ta, trên mọi lứa tuổi, giới tính và có xu hướng gia tăng nhanh do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm. Đây là phản ứng miễn dịch đặc hiệu của niêm mạc mũi xoang trước sự tái xuất hiện của dị nguyên đặc hiệu. Biểu hiện chủ yếu là ngứa mũi; hắt hơi từng hồi không kiềm chế được; chảy nước mũi loãng, trong, nhiều sau cơn hắt hơi; ngạt mũi. Các dấu hiệu trên thường xuất hiện thành cơn, tăng khi thay đổi thời tiết, khi gặp lạnh hoặc khi gặp khói bụi... Bình thường, bệnh không để lại triệu chứng gì khi thăm khám.
Do khó xác định được dị nguyên gây bệnh nên khi điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Điều trị bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Với điều trị tại chỗ, chủ yếu sử dụng thuốc co mạch và thuốc sát khuẩn.
Thuốc co mạch có tác dụng tạo sự thông thoáng cho đường thở. Các thuốc co mạch thường dùng hiện nay là: éphédrin 1-3% (1% cho trẻ em), naphazolin 0,05-0,1%.
Thuốc sát khuẩn: thường dùng argyrol 1-3%. Thuốc vừa có tác dụng sát khuẩn, vừa làm săn niêm mạc và chống xuất tiết.
Tuy nhiên, các thuốc này không dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi. Với trẻ sơ sinh, có thể dùng NaCl 0,9%; Không được nhỏ các thuốc co mạnh, thuốc sát khuẩn nhiều lần trong ngày, kéo dài liên tục nhiều ngày vì sẽ gây viêm mũi do thuốc.
Khi sử dụng các thuốc nhỏ mũi, cần chú ý:
Trước khi nhỏ mũi, cần xì hay hút hết chất dịch nhày, mủ ứ đọng trong hốc mũi thì nhỏ thuốc mới có tác dụng. Đặc biệt, với trẻ nhỏ chưa biết xì mũi, phải được hút chất dịch nhày nhẹ nhàng, đúng cách.
Khi nhỏ mũi, tốt nhất là để tư thế nằm ngửa, nếu không có điều kiện nằm thì phải ngồi, ngửa đầu tối đa để thuốc vào được trong hốc mũi. Sau khi nhỏ, nên hít nhẹ hoặc day nhẹ trên cánh mũi để thuốc vào được sâu trong hốc mũi.
Với điều trị toàn thân: dùng thuốc kháng histamin và corticoid. Tuy nhiên, đây là các thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn, do vậy, khi dùng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Theo SKDS