Để kem chống nắng phát huy hiệu quả bảo vệ thực sự, trước hết phải chọn kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp với màu da của mình và mục đích sử dụng (dùng hàng ngày hay dùng khi đi làm ngoài trời, tắm biển...). Hơn nữa là phải biết cách sử dụng vì hiệu quả bảo vệ da với ánh nắng (giá trị SPF của các chất chống nắng bôi trên da) phụ thuộc một phần vào lượng bôi trên diện tích da và sự đồng nhất của kem bôi.
Với từng loại màu da, mỗi người có thể chọn cho mình kem chống nắng phù hợp. Đối với những người có màu da bình thường và tiếp xúc với ánh nắng không nhiều có thể sử dụng sản phẩm có chỉ số SPF dưới 30. Người thường xuyên phải ra nắng nên chọn kem chống nắng có chỉ số trung bình khoảng 30 - 50 để dùng hàng ngày. Nhưng khi ra ngâm tắm ngoài bãi biển có thể sử dụng loại có chỉ số chống nắng cao hơn 50 (50 +). Người da trắng do tế bào sắc tố của da ít nên rất dễ bắt nắng vì thế cần dùng kem chống nắng có chỉ số cao hơn người da vàng và da đen.
Ngoài việc sử dụng kem chống nắng nên dùng thêm các biện pháp che chắn khác như mũ, kính...
Theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), giá trị SPF của bất cứ loại kem chống nắng nào cũng dựa trên việc bôi đều trên da với liều lượng 100mg/50cm2 da, như vậy ít nhất là 2mg/cm2. Với loại có SPF từ 20 trở lên, với diện tích một khuôn mặt thì cần bôi lượng kem khoảng 2,5gr là đủ. Cách khác là ước lượng khoảng một đầu ngón tay trỏ đầy kem sẽ đủ cho cả mặt. Nếu bôi không đủ lượng kem chống nắng thì hiệu quả chống nắng sẽ kém, thời gian chống nắng sẽ ngắn. Nhưng không nhất thiết phải thoa quá nhiều kem chống nắng mà chỉ cần thoa một lớp kem mỏng. Nếu thoa quá dày, lớp kem thừa không kịp thẩm thấu vào da sẽ là nguyên nhân gây nên bệnh dị ứng da trong mùa hè. Riêng da mặt và cổ là những nơi nhạy cảm, dễ bị tổn thương nên khi sử dụng kem chống nắng cần quan sát những vùng da này để kịp thời phát hiện những dấu hiệu phản ứng của da. Thậm chí giới chuyên gia còn khuyên nên dùng riêng kem chống nắng cho vùng da này.
Những lưu ý khi dùng kem chống nắng
Tất cả mọi người đều nên sử dụng kem chống nắng ngay từ khi còn trẻ để bảo vệ làn da của mình. Những người có làn da mỏng, sáng màu, dễ bắt nắng, nhất thiết phải dùng kem chống nắng khi ra ngoài trời. Những người bị bệnh da như: bệnh da nhạy cảm ánh sáng, bệnh lupus đỏ hệ thống, bệnh chất tạo keo..., những bệnh nhân đang dùng các loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng (doxycyclin, tetracyclin...) thì nên dùng kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ da.
Dùng kem chống nắng, cần tránh điều gì?
Tránh bôi vào niêm mạc: một số loại kem chống nắng có thể gây kích ứng nếu dính vào vùng niêm mạc như mắt, miệng... Vì vậy, nên tránh không bôi kem chống nắng vào các vùng này.
Khi dùng kem chống nắng mà lại tắm thì hiệu quả chống nắng sẽ giảm đi rất nhiều, thường là giảm một nửa tác dụng. Vì vậy, sau khi tắm, cần bôi lại kem chống nắng thì mới đạt hiệu quả như mong muốn.
Không nên dùng kem chống nắng kết hợp với bôi các loại thuốc ngoài da khác. Đôi khi dùng chung các thuốc này có thể xảy ra hiện tượng tương tác thuốc gây ảnh hưởng tới da, thậm chí gây kích ứng, dị ứng da.
Với trường hợp dùng kem chống nắng để tắm biển, sau khi ngâm mình trong nước biển khoảng 50 phút, nên làm sạch, lau khô cơ thể và bôi lại một lớp kem mới để bảo vệ da.
Mặc dù kem chống nắng rất hiệu quả khi dùng đúng cách, nhưng cũng không thể bảo vệ da hoàn toàn khỏi ánh nắng mặt trời. Ngoài việc sử dụng kem chống nắng, nên dùng thêm các phương pháp bảo vệ khác như: đội mũ, mặc quần áo dài, đeo khẩu trang khi ra ngoài trời nắng gắt, đặc biệt tránh đi vào khoảng thời gian từ 10 - 15 giờ. Không nên đứng quá lâu dưới trời nắng...
Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng kem chống nắng:
Kích ứng da: Sau khi bôi kem da bị đỏ lên, dày bì, căng rát và cảm thấy rấm rứt, khó chịu.
Dị ứng: Do da không chịu được thành phần nào đó có trong kem chống nắng: da đỏ lên, phù nề, ngứa. Nặng hơn thì có thể bị các mụn nước dày đặc, chảy nước.
Nếu thấy có các dấu hiệu trên, phải ngừng sử dụng kem chống nắng, đến ngay bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và điều trị .
Lưu ý: Trước khi bôi kem chống nắng, nên bôi thử một ít kem vào vùng da nhỏ chừng 1cm2 ở vùng trong cánh tay trong 3 - 4 ngày nếu không có dấu hiệu gì thì có thể yên tâm bôi rộng ra cả mặt. Khi bôi thử mà có dấu hiệu bất thường thì phải ngừng bôi ngay và tìm kiếm các loại kem khác.
Ngoài ra, trong dinh dưỡng hàng ngày, bạn nên ăn uống đủ chất, uống nhiều nước để cung cấp những dưỡng chất thiết yếu như: vitamin A, E, C, kẽm và selenium, biotin... các axit béo thiết yếu cho tế bào da và tăng sức miễn dịch cho làn da.
Theo SKDS