Thuốc sát khuẩn hay còn gọi là thuốc khử khuẩn (antiseptics) là những thuốc bôi, rửa ngoài da, được bào chế bằng những chất hóa học có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch da trước khi tiêm, trước khi mổ hoặc dùng điều trị tại chỗ các bệnh nhiễm khuẩn, làm sạch vết thương, vết loét hoặc để rửa tay tránh nhiễm khuẩn.
Cần dùng thuốc sát khuẩn đúng phương pháp để tránh bị kích ứng.
Thuốc sát khuẩn phải có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn khi bôi trên bề mặt da trong những điều kiện thích hợp. Cần phân biệt với các chất tẩy uế (disinfectants) là thuốc có tác dụng diệt khuẩn trên dụng cụ, đồ đạc, môi trường cũng thường dùng trong các cơ sở y tế. Khác với kháng sinh hoặc các hóa trị liệu dùng đường toàn thân, các thuốc này ít hoặc không có độc tính đặc hiệu. Tác dụng kháng khuẩn phụ thuộc nhiều vào nồng độ, nhiệt độ và thời gian tiếp xúc: nồng độ rất thấp có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn, nồng độ cao hơn có thể ức chế và nồng độ rất cao có thể diệt khuẩn.
Người ta thường phân loại thuốc sát khuẩn theo cơ chế tác dụng. Thường trong y tế hay dùng một số thuốc sát khuẩn sau:
Cồn ethylic (C2H5OH) và isopropyl: Các thuốc này phải dùng ở nồng độ dung dịch trong khoảng 60-70%. Tác dụng sát khuẩn sẽ giảm mạnh khi độ cồn nhỏ hơn 60% và lớn hơn 90%. Các chất sát khuẩn này hiện rất phổ biến trong các cơ sở y tế do cơ chế sát khuẩn là gây biến chất protein của tế bào vi khuẩn, nấm, virut làm chúng nhanh chóng bị tiêu diệt. Tuy nhiên, chúng không có tác dụng trên bào tử. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với tác nhân diệt khuẩn khác. Ở nồng độ thấp cồn có thể được sử dụng như các cơ chất cho một số vi khuẩn, nhưng ở nồng độ cao các phản ứng khử hydro sẽ bị ức chế. Cần lưu ý tránh để cồn bắn vào mắt và không được uống.
Lưu ý khi dùng chất sát khuẩn có iốt
Iốt làm kết tủa protein và ôxy hóa các enzym làm ngăn cản tạo màng vi khuẩn. Iốt có tác dụng diệt khuẩn nhanh trên nhiều vi khuẩn, virut và nấm bệnh. Nhược điểm là hơi kích ứng da, xót và nhuộm màu da. Hiện nay thay bằng dung dịch povidon - iốt, chế tạo bằng cách tạo phức iốt với polyvinyl pyrolidon. Iốt sẽ được giải phóng từ từ. Thuốc này được dùng nhiều vì vững bền hơn cồn iốt ở nhiệt độ môi trường, ít kích ứng mô, ít ăn mòn kim loại. Với vết thương mở, do độc với nguyên bào sợi (fibroblast) nên có thể làm chậm lành. Chế phẩm hay gặp trên thị trường và có bán tự do ở các nhà thuốc là betadin hay povidin... Sử dụng nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng có thể gây những tác dụng phụ toàn thân.
Lưu ý khi dùng thuốc sát khuẩn có clo
Tác dụng kéo dài, ít kích ứng mô, nhưng yếu. Thường dùng cloramin T (Na-p-toluen sulfon cloramid), dung dịch 1 -2% để rửa vết thương. Halazon (acid p-dicloro sulfamidobenzoic): viên 4mg đủ sát khuẩn cho 1 lít nước, uống được sau 30 phút.
Dùng thuốc sát khuẩn có chất ôxy hóa như thế nào?
Hay dùng là dung dịch peroxyd hydro (nước ôxy già), thuốc tím. Do có tác dụng ôxy hóa, tạo gốc tự do nên các thuốc này làm tổn hại màng vi khuẩn, ADN và một số thành phần chủ yếu khác của tế bào. Nước ôxy già 3-6% có tác dụng diệt khuẩn và virut, nồng độ cao hơn (10-25%) diệt được bào tử. Vì không thấm vào mô nên chỉ dùng để súc miệng và rửa các vết thương, các bộ phận giả. Nước ôxy già độc với nguyên bào sợi nên có thể làm chậm liền sẹo vết thương. Còn thuốc tím với nồng độ 1/10.000 có tác dụng diệt nhiều loại vi khuẩn trong 1 giờ. Nồng độ cao hơn dễ kích ứng da. Thường dùng rửa các vết thương ngoài da có rỉ nước.
Dùng thuốc sát khuẩn có bạc ra sao
Bạc ion kết tủa protein và ngăn cản các hoạt động chuyển hóa cơ bản của tế bào vi khuẩn. Các dung dịch muối bạc vô cơ có tác dụng sát khuẩn như bạc nitrat dung dịch 1% dùng nhỏ mắt cho trẻ mới sinh, chống được bệnh lậu ở mắt. Hiện đang thay thế bằng pomat kháng sinh. Bạc - sulfadiazin 1% dưới dạng kem bôi chữa bỏng, làm giải phóng từ từ cả bạc và sulfadiazin, có tác dụng diệt khuẩn tốt và làm giảm đau. Bôi diện rộng và kéo dài, đôi khi có thể gây giảm bạch cầu.
Theo SKDS