Cảm cúm là rối loạn thường gặp. Trong một năm, ta có thể bị rối loạn này đôi ba lần, đặc biệt là vào mùa mưa. Cảm cúm còn được gọi cảm sổ mũi vì cảm giác khó chịu, thấy người yếu hơn bình thường lại kèm theo ho, sổ mũi, nhảy mũi hoặc có khi bị nghẹt mũi. Có hai triệu chứng thường gặp kèm với cảm cúm là sốt và đau nhức, đặc biệt là nhức đầu.
Cảm cúm là bệnh nhiễm siêu vi (virus) cấp tính đường hô hấp. Do nhiễm virus cúm A, B và C. Hiện nay, cúm A phân týp H1N1 đang gây lo lắng trên toàn thế giới. Cúm thường gây bệnh cảnh đường hô hấp nặng hơn như sốt cao và có thể gây viêm phổi nặng.
Triệu chứng sốt và nhức đầu khi bị cảm cúm
Sốt là hiện tượng thân nhiệt tăng cao hơn bình thường, được quy ước khi thân nhiệt trên 38oC. Sốt nhẹ từ 38oC- 38,9oC, trên 39oC là sốt cao. Nên lưu ý, nếu sốt quá cao có thể gây co giật, thậm chí có thể gây tổn thương não trầm trọng ở trẻ sơ sinh.
Nhức đầu là có triệu chứng đau ở vùng đầu, không chỉ là sự khó chịu về mặt cảm giác mà còn liên quan đến vấn đề tình cảm, tâm lý. Các thống kê ở các phòng khám ước tính một nửa bệnh nhân đến bác sĩ vì bị nhức đầu. Nên lưu ý, không chỉ cảm cúm mà còn có rất nhiều nguyên nhân khác đưa đến nhức đầu.
Dùng thuốc để hạ sốt và nhức đầu
Để hạ sốt giảm đau đặc biệt trị nhức đầu, thuốc thường được dùng là: aspirin, paracetamol. Trong 2 loại thuốc này, paracetamol được xem là tương đối an toàn. Aspirin giảm đau hạ nhiệt tốt nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ, đặc biệt gây tổn hại niêm mạc dạ dày tá tràng và tăng nguy cơ xuất huyết, nên lưu ý không được dùng aspirin khi nghi ngờ sốt xuất huyết. Phụ nữ có thai và trẻ em cũng không nên dùng aspirin. Nên lựa chọn paracetamol nhưng cũng cần lưu ý paracetamol không phải hoàn toàn vô hại, không nên dùng paracetamol quá thường xuyên và phải dùng thật đúng liều.
Nên lưu ý có hai loại thuốc hạ sốt giảm đau chứa dược chất paracetamol. Một là thuốc chỉ chứa paracetamol (nhiều dược phẩm xem kỹ sẽ thấy trong công thức chỉ chứa paracetamol), đây có thể xem là thuốc giảm đau hạ nhiệt thông thường. Loại thuốc thứ hai là loại phải thật thận trọng trong sử dụng: đó là thuốc phối hợp đến ba dược chất: paracetamol; kháng histamin trị dị ứng là clorpheniramin; và phenylpropanolamin có tác dụng co mạch, làm tan máu chống sung huyết ở niêm mạc mũi dùng để trị nghẹt mũi, sổ mũi. Nếu dùng thuốc trị cảm cúm, nhức đầu là loại phối hợp phải lưu ý xem thuốc có chứa thêm 2 dược chất ngoài paracetamol hay không. Nếu thuốc có chứa thuốc kháng histamin nên tránh dùng đối với phụ nữ có thai đặc biệt 3 tháng đầu, cũng tránh dùng đối với người đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung như lái xe, vận hành máy móc vì thuốc kháng histamin gây buồn ngủ. Nếu thuốc có chứa chất co mạch giảm sung huyết phải tránh dùng đối với người bị cao huyết áp, người bị cường tuyến giáp, vì huyết áp có thể tăng khi dùng thuốc.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Người cao tuổi thường hay bị tăng huyết áp phải tránh dùng thuốc trị cảm cúm, nhức đầu có chứa chất co mạch giảm sung huyết là phenylpropanolamin (hay ephedrin, pseudoephedrin) đã kể ở trên. Ngoài ra, người cao tuổi tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt (kể cả các thuốc khác ngoài thuốc trị cảm cúm, nhức đầu). Vì dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat hoặc natri carbonat (khi cho vào nước sẽ phản ứng với acid citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt), tức thuốc sủi bọt luôn chứa natri có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối.
Đối với trẻ còn quá nhỏ, tránh dùng thuốc trị cảm cúm có chứa chất co mạch chống sung huyết cho các cháu, thậm chí không được dùng thuốc nhỏ mũi có chứa chất co mạch để nhỏ mũi. Bởi vì thuốc không chỉ có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi mà còn có tác dụng gây co mạch ở các nơi khác như: gan, tim, thận… của trẻ, và trẻ nhỏ thì cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể chấp nhận được tình trạng này. Đối với trẻ bị sốt chỉ nên cho dùng paracetamol và nên dùng dạng thuốc lỏng có mùi vị thơm ngon để cho trẻ dễ uống. Hiện nay, có thuốc paracetamol dạng hỗn dịch giống như sirô rất thích hợp cho trẻ.
Trong thuốc trị cảm cúm, paracetamol chỉ trị triệu chứng sốt và nhức đầu, đang dùng thuốc sẽ hết sốt, đau nhức nhưng hết thuốc có thể sẽ đau nhức trở lại khi nguyên nhân bệnh lý gây sốt, đau nhức vẫn còn. Vì vậy, chỉ dùng thuốc paracetamol trong một thời gian thường 3-4 ngày, nếu sốt hay đau nhức tái diễn hoặc tăng thêm, rất cần đi khám bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được chẩn đoán và cho hướng điều trị thích hợp.
Theo SKDS