Ngộ độc thực phẩm là tình trạng mà người sử dụng bị nhiễm độc bởi các mầm bệnh từ thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người. Một trong các biểu hiện điển hình của ngộ độc thực phẩm là tiêu chảy với các biểu hiện như đi lỏng, đi ngoài phân nước, số lần đi ngoài tăng lên…
Nếu xét dưới góc độ phòng vệ thì đây là một phản ứng có lợi. Bởi lẽ khi có bất cứ một vật thể lạ dù độc hay không độc thì cơ thể chúng ta luôn có những phản xạ tống đẩy ra ngoài nhằm làm bình thường hóa sự cân bằng sinh học. Tuy nhiên, tác dụng của phản ứng bảo vệ này chỉ có lợi ở thời điểm đầu. Ở những thời điểm sau thì hại lại là chủ yếu và chính nó lại là nguy cơ chủ đạo gây ra tử vong hoặc các biến chứng bệnh lý tai hại khác. Cụ thể hóa trong trường hợp ngộ độc thực phẩm, hậu quả đi sau của tình trạng tiêu chảy là cơ thể mất nước và điện giải.
Loperamid một thuốc điển hình có tác dụng cầm tiêu chảy trên lâm sàng. Đây là một dẫn xuất tổng hợp của piperidin, một chất đồng vận của opioid lên hệ thống thần kinh của ruột. Với cách thức này, loperamid là thuốc có tác dụng ức chế cơ dọc của thành ruột nên làm giảm nhu động ruột. Cơ dọc thành ruột là các cơ chính tạo nên nhu động. Nó là cơ chủ đạo để tạo nên các nhu động lắc qua lắc lại của ruột, làm thức ăn lưu thông. Với tác dụng ức chế này, thuốc làm các nhu động trở nên thưa thớt, yếu và sự lưu thông trong ruột bị ngừng hãm. Do đó mà người bệnh giảm số lần đi ngoài, giảm lượng nước trong phân.
Đồng thời, thuốc lại có tác dụng làm tăng trương lực cơ vòng, cơ thắt nên ngăn cản quá trình tống đẩy các thức ăn ra ngoài. Sự thít chặt của cơ hậu môn do thuốc làm giảm các phản ứng đi ngoài cấp tính, giảm tiêu chảy không ngừng hãm được ở bệnh nhân. Tác dụng này, phối hợp cùng với tác dụng giảm trương lực cơ dọc thành ruột mà tình trạng tiêu chảy của bệnh nhân giảm rõ rệt.
Hiệu năng điều trị đạt được ngay ở liều thông thường. Chỉ với liều điều trị đầu tiên, ngay lập tức, người bệnh đã bớt đi ngoài, bụng không còn bị kích thích, người bệnh phần nào kiểm soát được sự tiêu chảy của mình mà không lâm vào tình trạng không hãm nổi.
Nhưng không phải vì thế mà nó có thể che lấp những nhược điểm không thể bỏ qua, nhất là dùng thuốc khi bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm mà phải điều trị nhiều lần, sử dụng quá liều, sử dụng quá gần nhau…
Nhược điểm đáng ngại nhất là chướng bụng. Nguyên nhân là do thuốc làm nhu động ruột giảm, thức ăn chậm lưu thông. Khi quá mức thì chướng bụng có thể gia tăng làm tắc ruột do liệt ruột. Mặc dù tác hại này ít gặp nhưng cũng cần thận trọng khi dùng với đối tượng là trẻ em và người già.
Thuốc có thể gây chóng mặt, mệt mỏi nên đối với những người có rối loạn tiền đình cần dùng hết sức thận trọng. Đối với những người mà có tổn thương một trong các cơ quan của hệ thống tiền đình thì các triệu chứng trên sẽ nặng thêm khi dùng thuốc này.
Vì thuốc được chuyển hóa qua gan nên nó là một thuốc không thích hợp với những người bị suy gan. Thuốc sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh lý, sẽ làm gia tăng các biểu hiện của suy gan đồng thời cũng tăng thêm các tác dụng tai hại của thuốc. Trong các trường hợp bị viêm gan nặng, xơ gan thì không nên dùng thuốc này.
Những tác dụng phụ có thể thấy khác là dị ứng da, kích ứng, khô miệng. Một số có thể bị đau bụng hoặc đau dạ dày do thuốc.
Trên trẻ em, đã có những báo cáo cho thấy tình trạng hoại tử niêm mạc ruột do thuốc khi điều trị loperamid. Những đối tượng này đã bị liệt ruột do dùng thuốc liều lượng quá cao. Vì thế mà loperamid không được khuyến cáo dùng ở trẻ em. Không dùng thuốc này để cầm tiêu chảy ở trẻ dưới 1 tuổi.
Một điều cần biết ở đây là loperamid sử dụng trong điều trị ngộ độc thực phẩm chỉ là một thuốc điều trị triệu chứng mà không làm hết căn nguyên. Thế nên không bao giờ dùng loperamid một mình mà có thể khỏi được bệnh. Trong trường hợp dùng tới liều tối đa trong một ngày mà tình trạng tiêu chảy chưa cầm thì cần nghiên cứu lại nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị. Đặc biệt, nếu nghi ngờ là có dấu hiệu của nhiễm khuẩn từ thức ăn như lỵ trực khuẩn thì cần tuyệt đối xem xét kỹ dùng loperamid vì sự chậm lại hoạt động của ruột có thể tạo thuận cho vi khuẩn xâm nhập vào máu. Loperamid trong các tình huống này gần như không được chỉ định.
Việc can thiệp sử dụng thuốc cầm tiêu chảy loperamid vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại. Nếu chúng ta dùng quá sớm thì mầm bệnh sẽ bị tích tụ lại. Nhưng nếu chúng ta dùng quá muộn thì tác hại đã xảy ra. Vì thế tốt nhất là dùng khi xác định được mầm bệnh gây ngộ độc đã được thải bỏ gần hết.
Theo SKDS